.jpg)
Tả Van nằm gọn trong thung lũng Mường Hoa xinh đẹp dưới chân núi Hoàng Liên Sơn. Tả Van đẹp, xanh mướt và bình dị! Màu xanh của ngô và lúa non bao phủ trên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ. Màu xanh của lá rừng, của những vạt tre bên đường.
Chúng tôi đã là những vị khách không mời trong đám cưới của hai thanh niên dân tộc Dao. Theo tục lệ người Dao là dù bạn là ai, nếu vào dự đám cưới đều trở thành khách quý và được đón tiếp rất nồng hậu.
.jpg)
Đêm trước lễ cưới, mọi người trong bản đều có mặt ở nhà chú rể, thức thâu đêm trò chuyện, uống rượu, cùng hát giao duyên.
Già làng Tẩn Vần Phấu hỉ hả: “Ở đây suốt đêm với người Dao đi, nghe hát, uống rượu vui lắm!” Xen lẫn tiếng cười sảng khoái của cụ Phấu, tiếng khèn và tiếng hát văng vẳng đâu đây. Một đôi trai gái đứng ngoài hiên đang cất lời tình tự qua điệu Páo dung (điệu hát giao duyên của người Dao). Tiếng hát chìm trong khoảng không mênh mông của đêm rừng Tây Bắc:
- "Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau. Điều may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên. Và em thấy lòng mình bình yên...!".
- " Nghe em hát, anh cảm thấy rằng em đã yêu anh. Khi em về rồi, anh sẽ luôn nghĩ đến bài hát của chúng mình. Anh sẽ buồn lòng rất nhiều vì nhớ em..!".
.jpg)
Người Dao chinh phục trái tim nhau bằng hát đối đáp tài tình như thế!
Sáng sớm hôm sau, khi những giọt sương vẫn còn đọng trên ngọn cỏ, sự yên tĩnh vốn có của núi rừng bị đánh thức bởi âm thanh náo nhiệt của kèn pí lè, thanh la, chiêng trống. Đoàn nhà trai gồm ông mối, các chàng trai, cô gái sang nhà gái rước dâu từ rất sớm. Người Dao quan niệm mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu ngay từ buổi sớm mai, khi mặt trời còn chưa thức giấc.
.jpg)
Giữa không gian xanh mướt của núi rừng, của ruộng lúa, đoàn rước dâu lộng lẫy một màu đỏ của trang phục dân tộc Dao, với áo, váy, khăn đội đầu, đến cả những gánh “hành lý” mang về nhà chồng của cô dâu cũng rực rỡ đỏ.
.jpg)
Đi cạnh cô là một phù dâu cầm ô che và một ông mối dẫn đường…; không thấy chú rể bên cạnh cô dâu như các đám cưới dưới xuôi. Già làng Phấu giải thích: “Theo phong tục, chú rể không được ra đón, không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi làm xong các nghi lễ tạ tổ tiên cô dâu mới cởi khăn che mặt.” Người Dao cho rằng làm như vậy mới tránh được nhiều điều rủi ro, cô dâu, chú rể mới hạnh phúc trăm năm…
.jpg)
Trong nhà bây giờ đã treo kín những bức trướng màu đỏ có ghi những chữ chúc phúc cho cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc. Bàn thờ tổ tiên người Dao được bày sẵn 12 đôi đũa, 12 cái bát, 12 chén rượu. Chú rể dắt cô dâu bái lạy tổ tiên 3 lần. Sau đó, cô dâu được đưa vào phòng chờ đến giờ tốt mới ra chào quan khách.
Sau các thủ tục cần thiết, ngoài sân, rượu được mang ra, rót đầy tràn các bát. Đó là lễ uống rượu nhập tổ, tạ ơn những người bà con họ hàng đến giúp đám cưới. Ngoài sân, những đôi trai gái xúng xính quần áo đẹp lại tiếp tục đắm say trong điệu giao duyên...
Mi Anh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)