Nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng có không ít những tồn tại
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước gắn với nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và đặc trưng văn hóa vùng miền đặc sắc, trù phú là những tiền đề để du lịch nông thôn phát triển ở nước ta. Du lịch nông thôn góp phần bảo tồn bản sắc cho cộng đồng, tính độc đáo của điểm đến và đa dạng sản phẩm du lịch Việt Nam, vừa mở rộng đầu ra cho nông sản, vừa góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc thù vùng miền; đồng thời cũng góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, tạo kế sinh nhai, tăng thu nhập cho người nông dân. Du lịch nông thôn vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với sông ngòi, kênh rạch, nhiều lễ hội truyền thống dân gian, ẩm thực Nam Bộ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, Việt Nam đang từng bước phát triển loại hình du lịch nông thôn. Trong tiến trình này, ngành Du lịch và ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với nhau trong xây dựng Đề án, lồng ghép phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp và du lịch nông thôn cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Một số mô hình đã có những thành công bước đầu, đem lại nguồn sinh kế mới cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành, quản lý và đặc biệt là duy trì và thu hút nguồn khách du lịch. Để phát triển du lịch nông thôn bền vững cần đến sự chung tay của nhiều bên tham gia. “Hội thảo sẽ tạo diễn đàn cho các bên liên quan thảo luận các giải pháp trước mắt và thiết thực cho ngành Du lịch trước những thách thức lớn do COVID-19 gây ra; đồng thời, thảo luận về các lộ trình phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường khả năng thích ứng của ngành Du lịch”, ông Phúc chia sẻ.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng du lịch đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế: điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ đơn điệu, chất lượng sản phẩm thiếu tính liên kết; nguồn nhân lực, kinh nghiệm chuyên môn về du lịch còn hạn chế; đầu tư kinh doanh du lịch chủ yếu là các hộ dân, hợp tác xã manh mún, nhỏ lẻ; tiếp cận hạ tầng khó khăn; hiệu quả khai thác chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, những hạn chế, thách thức phát triển du lịch nông thôn đồng bằng sông Cửu Long về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; liên kết du lịch và nông nghiệp. Dưới tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của du lịch Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng về lượng khách du lịch nội địa và quốc tế, cung ứng dịch vụ du lịch: khách sạn, nhà hàng, lữ hành, vận chuyển. Lao động trong ngành Du lịch bị cắt giảm, mất việc, chuyển đổi...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch nông nghiệp nói chung và du lịch nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Theo Tổng Giám đốc Công ty Mekong Rustic & Crystal Holidays Nguyễn Ngọc Bích, giải pháp về chính sách phát triển cho du lịch nông nghiệp cần quy hoạch tổng thể để tối ưu hóa nguồn tài nguyên và phát triển du lịch; sử dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp và năng lượng sạch; sử dụng các công cụ số hóa 4.0; đổi mới cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và bền vững; xây dựng chính sách thu hút đầu tư cho mảng du lịch nông nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo và thay đổi nhận thức về phát triển du lịch nông nghiệp; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với với phát triển nông nghiệp như sản phẩm OCOP, làng nghề, lễ hội văn hóa, hoạt động nông nghiệp, quảng bá xúc tiến hỗn hợp. Đầu tư và phát huy thế mạnh của các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp; xây dựng mạng lưới doanh nghiệp du lịch nông nghiệp; áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch nông nghiệp; xây dựng một mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề cập đến các nội dung: doanh nghiệp du lịch làm gì để phục hồi và phát triển trở lại giai đoạn hậu COVID-19; du lịch nông thôn liệu có tiềm năng cho việc đa dạng hóa thu nhập, bảo tồn văn hóa và tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài. Có những rủi ro và nguy cơ nào trong phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ của nhà nước đối với việc phục hồi và phát triển trở lại giai đoạn hậu COVID-19; tăng cường tính kết nối khu vực giữa các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như giữa các nước ASEAN để phát triển du lịch nông thôn.
Trong định hướng phát triển du lịch nông thôn đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm tới các nội dung: du lịch, nông nghiệp nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, COVID-19, hướng tới phát triển nông thôn bền vững. Về định hướng phát triển sản phẩm ăn uống, lưu trú, tour, mua sắm, dịch vụ khác gắn với cảnh quan môi trường, nông nghiệp, văn hóa cộng đồng, hạ tầng, con người, công nghệ; cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch, xây dựng các trung tâm du lịch nông nghiệp, cung ứng dịch vụ chất lượng sản phẩm, du lịch an toàn, du lịch thông minh, du lịch gắn với tăng trưởng xanh, liên kết chuỗi giá trị; phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phát triển trung tâm du lịch Phú Quốc - Cần Thơ - Cà Mau, xúc tiến quảng bá, đào tạo du lịch nông nghiệp, hỗ trợ, thu hút đầu tư khởi nghiệp.
Tuấn Sơn