Nhằm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 4/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản số 1738/BVHTTDL-VHDT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành trong cả nước về việc hướng dẫn phục dựng, bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu dân tộc thiểu số năm 2009.
Theo văn bản 1738/BVHTTDL-VHDT, 11 lễ hội truyền thống chủ yếu là của các dân tộc thiểu số sẽ được phục dựng, bảo tồn trong năm 2009, gồm lễ hội Roóng poọc (dân tộc Giáy, Lào Cai); lễ hội Nàng Hai (Cao Bằng); lễ hội Ăn trâu (Đâm trâu) của dân tộc Êđê (Phú Yên); Đám cưới của người Dao Lô Gang (Thái Nguyên); lễ hội Nghinh Ông (Kiên Giang); lễ Ariêu ping (lễ cúng nhà mồ, Quảng Trị); lễ Cúng thần rừng của dân tộc Mạ (Đăk Nông); lễ hội Oóc- Om-Bóc của dân tộc Khmer (Bạc Liêu); lễ hội Cầu mùa của dân tộc Tày (Tuyên Quang); lễ hội Đâm trâu của dân tộc Cor (Quảng Ngãi); lễ hội Mừng Gươl mới của đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam).
Theo văn bản 1738/BVHTTDL-VHDT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu việc phục dựng các lễ hội truyền thống cần nghiên cứu kỹ, hình thức tổ chức dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Không nên tùy tiện lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc dân gian, gây phản cảm và xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số.
LH