|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo |
Phiên họp Chính phủ tháng 5/2009 đã tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009; dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới; kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ; tình hình điều hành kinh tế vĩ mô; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng; công tác cải cách hành chính tháng 5 năm 2009; tình hình thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 4 và Chương trình công tác tháng 5/2009...
Với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các giải pháp, chính sách ngăn ngừa suy giảm kinh tế đã bước đầu phát huy tác dụng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong tháng 5/2009 tiếp tục chuyển biến tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng lên liên tục trong 4 tháng qua, ước đạt 265,64 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước; an ninh xã hội được bảo đảm; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt 292,9 nghìn lượt, giảm 11,1% so với tháng trước và giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2008, tính chung 5 tháng tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1,6 triệu lượt, giảm 18,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh các kết quả khả quan, kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn; giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, FDI… đạt thấp; các dịch bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy cấp, cúm A (H1N1)… đang diễn biến phức tạp.
Ðể làm tốt công tác điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt hơn công tác điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ đã ban hành, trước hết là các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích của các chính sách đã ban hành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu; không để nhập siêu vượt quá 20%; không để chỉ số giá tiêu dùng vượt quá 10%, cố gắng giữ ở mức 5 đến 6%; tổ chức tốt thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước; tích cực triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn và giảm bớt dịch bệnh hại lúa, cây trồng, vật nuôi; cải tiến công tác hải quan để phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI.
Bài và ảnh: HẢI DƯƠNG