NNMT luôn cần có khả năng xử lý những tình huống nguy cơ cao. Vì vậy, họ nên tích cực tham gia vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, làm những việc hữu ích như giúp đỡ bạn nghiện, sống điều độ không cần dùng bất cứ một chất gây nghiện nào như rượu, thuốc lá...
Luôn chuẩn bị tinh thần cho mình để đối phó với tình huống sa ngã khi có thời cơ đi một mình mà có ma túy trong tầm tay.
Cán bộ được phân công giúp đỡ cho NNMT tại cộng đồng phải tìm ra những nguy cơ của đối tượng và giúp cho họ nhận thức được chúng, học tập khả năng vượt qua chúng. Giúp cho họ phải hiểu được rằng tái nghiện là một quá trình xảy ra trong nội tâm đối tượng và kết thúc là hành vi tái sử dụng ma túy.
Giúp họ hiểu tại sao có cảm giác thèm ma túy và học tập để vượt qua được cảm giác ấy. Làm sao họ có thể đương đầu với áp lực của bạn bè cũ, xấu muốn họ sử dụng lại.
Cán bộ được phân công giúp đỡ NNMT xây dựng cho họ một lối sống điều độ, cân bằng, tự xây dựng những biện pháp phòng chống sa ngã và tái nghiện. Trang bị cho họ những kinh nghiệm cần thiết để họ có thể nhận ra được những tình trạng bất thường, nhận thức sai lệch để họ có thể biết cách xử lý để họ vượt qua.
Muốn có các hoạt động, quản lý, giúp đỡ và phòng chống tái nghiện cho NNMT được thực hiện tốt tại cộng đồng, điều trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc xem nguyên nhân tái nghiện là: do một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ nắm các cương vị chủ chốt của chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng, đủ về nghiện ma túy và cai nghiện ma túy; chưa thực hiện đúng quy trình cai nghiện phục hồi; môi trường xã hội vẫn đang còn “ô nhiễm” ma túy quá nặng; cơ sở vật chất, kinh phí, công tác tổ chức, cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ, sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình còn hạn chế... Do đó, khi NNMT đang cai nghiện ma túy mà quay lại sử dụng thì diễn biến nội tâm sẽ có các hình thức cảm giác tiêu cực về thể chất, cảm xúc bị thúc đẩy và cám dỗ họ, thôi thúc họ phải sử dụng lại ma túy.
Vì vậy, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ và phòng chống tái nghiện cho NNMT tại cộng đồng là hết sức cần thiết. Để nâng cao chất lượng công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống tái nghiện tốt ở cộng đồng cho NNMT cần phải thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Trước hết, phải nhận thức đúng bản chất của nghiện ma túy và cai nghiện ma túy. Sau đó, cần tăng cường quản lý, giáo dục, giúp đỡ và phòng chống tái nghiện ma tuý cho người nghiện ma túy tại cộng đồng.
Với gia đình: cần đóng góp kinh phí cai nghiện cho người nghiện chưa thành niên theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập hồ sơ và xây dựng kế hoạch cai nghiện cho người thân của mình; cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm của gia đình đối với người nghiện; quan tâm theo dõi nếp sống sinh hoạt, các mối quan hệ bạn bè, nhân cách hàng ngày để có những biện pháp phối hợp với chính quyền và tổ chức đoàn thể có biện pháp giúp đỡ, ngăn chặn những hành vi có thể trở lại dùng ma túy, động viên khích lệ những hành vi tích cực; tạo điều kiện cần thiết về vật chất, tinh thần cho người nghiện có việc làm, học nghề, tham gia văn nghệ, thể dục thể thao...
Với chính quyền và các đoàn thể được phân công: cần tích cực quản lý về hành chính (tạm vắng, tạm trú, UBND xã phường có sổ theo dõi di biến động của người nghiện); phối hợp với gia đình kiểm tra, giám sát hoạt động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nhận xét về sự thay đổi nhân cách, hành vi của người nghiện, kịp thời ngăn chặn những hành vi có thể trở lại ma túy; đồng thời, báo cáo định kỳ về tổ chức hoạt động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ quản lý, giáo dục cho NNMT, thành lập các Câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội khác nhằm thu hút người nghiện tham gia để giúp đỡ người cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe, nhân cách và hòa nhập cộng đồng. Tạo điều kiện cho người cai đã cai nghiện được học nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, xóa đói giảm nghèo, tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, kinh doanh và các hoạt động về y tế, xã hội; phòng, chống tái nghiện; huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghiện và gia đình họ...
Phương Anh