Theo đó, chương trình đặt mục tiêu đổi mới từ hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường và đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Chương trình sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới; rà soát, xây dựng và phát triển hệ thống tài liệu, sổ tay hướng dẫn, tài liệu điện tử, học liệu, băng, đĩa hình… về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó chú trọng nội dung giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường, tập trung vào việc giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân huỷ trong hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng trong lĩnh vực giáo dục bảo vệ môi trường.
Lễ ký kết đánh dấu cho sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ, đồng thời sẽ tìm ra những giải pháp tốt nhất cho ngành tài nguyên môi trường và giáo dục đào tạo để tạo ra sự thúc đẩy, phát triển công tác giáo dục thế hệ học sinh luôn ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời, đưa ra được những thông điệp, tấm gương có ý nghĩa lan tỏa trong toàn xã hội.
PV