Muộn nhất đầu tuần có chỉ thị mới để triển khai
Chiều 17.4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã có cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, bộ, ngành cơ quan T.Ư để góp ý về dự thảo chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự thảo được soạn thảo dựa trên tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo ngày 15.4 vừa qua.
Về nội dung, dự thảo đưa ra các biện pháp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc cũng như các biện pháp áp dụng theo từng nhóm nguy cơ, gồm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.
Sau khi nghe các địa phương góp ý, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, cho biết sau cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương gửi ý kiến về Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tiếp thu ngay trong đêm. “Ngày mai phải hoàn thiện để trình Thủ tướng. Muộn nhất là đầu tuần sau phải có chỉ thị mới để triển khai thực hiện”, ông Đam lưu ý.
Kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan
Nói thêm về công tác chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, công tác phòng, chống dịch đã chuyển sang thời kỳ mới, trong đó, phải nhấn mạnh 3 vấn đề: kiểm soát dịch bệnh không chủ quan; tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh và thúc đẩy các điều chỉnh tích cực trong xã hội.
Ông Đam khẳng định, dịch bệnh sẽ còn kéo dài dù tới đây có lúc, có nơi, từng lúc, từng nơi có thể lắng xuống. Chỉ khi nào có thuốc đặc trị, vắc xin, mới cơ bản hết được dịch.
Do đó, ông Đam cho rằng, trong thời gian tới, phải tiếp tục kiên định thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Đảng, Nhà nước theo nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, đồng thời điều trị cho bệnh nhân.
Về vấn đề này, ông Đam cũng lưu ý, việc “ngăn chặn” ở đây là ngăn chặn dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam chứ không nên cực đoan ngăn chặn địa phương với địa phương. Việc ngăn chặn nguồn bệnh từ nước ngoài, sắp tới phải mở dần ra để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng theo nguyên tắc phải đảm bảo an toàn.
“Quan trọng nhất là khi phát hiện một người nhiễm bệnh, nghi ngờ nghiễm bệnh thì điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly để dập dịch, nhất là những nơi chưa từng phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng”, ông Đam lưu ý.
Theo đó, ông Đam cho biết, tinh thần của chỉ thị mới như kết luận của Thủ tướng là có giải pháp phù hợp, chi tiết với từng nhóm địa phương, địa bàn, ngành nghề, đối tượng. “Vì dịch sẽ còn kéo dài nên không thể thực hiện một biện pháp cứng đồng loạt mà cần có chỗ chặt, chỗ nới lỏng để tiếp tục phát triển nhưng vẫn an toàn”, ông Đam phân tích và cho biết, tiến tới sẽ thực hiện phân nhóm tới cấp huyện, cấp xã chứ không chỉ cấp tỉnh.
“Thậm chí, phân nhóm nguy cơ tới cấp thôn. Càng nhỏ càng tốt thì mới chung sống được”, ông Đam nói và cho biết, sắp tới, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương cập nhật dữ liệu để thực hiện các biện pháp phân nhóm nguy cơ tới cấp độ "sâu" hơn.
Các bộ, ngành, địa phương phải có hướng dẫn để chung sống an toàn
Vấn đề thứ hai, theo ông Đam là phải “tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh”.
Để làm được điều này phải hiểu về virus, sự nguy hiểm và cơ chế lây lan của nó để phòng ngừa. “Dễ thấy nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay, không tụ tập đông người vì cơ chế lây lan của virus là trực tiếp theo giọt bắn, hoặc gián tiếp qua các bề mặt”, ông Đam nói và khẳng định các biện pháp này là cực kỳ quan trọng trong việc chung sống an toàn với dịch bệnh.
Từ đó, ông Đam cho rằng, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương phải đưa ra những hướng dẫn an toàn cho từng hoạt động của ngành mình từ cơ sở y tế, giao thông vận tải, cơ sở sản xuất, giáo dục cho tới các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao… để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh.
Cũng theo ông Đam, để kiểm soát được dịch bệnh và chung sống an toàn với dịch bệnh, chúng ta cũng đang có những điều chỉnh tích cực trong xã hội “từ trong ra ngoài”.
Theo ông Đam, công tác phòng, chống dịch cũng giúp chúng tay thúc đẩy những thay đổi mà trước đây nhiều lần chúng ta đã nói đến và thúc đẩy song vẫn còn chậm từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu cho tới những lề thói chưa đẹp từ việc không có văn hóa xếp hàng, lễ hội xô bồ hay những thói quen cá nhân…
“Cùng với kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cần góp phần điều chỉnh tích cực trong xã hội. Nếu làm được như vậy thì chúng ta chống dịch thành công mà vẫn phát triển kinh tế, xã hội”, ông Đam nói, đồng thời khẳng định, dù việc chống dịch sẽ còn nhiều vất vả nhưng chắc chắn sẽ thành công.
Nguồn: thanhnien.vn