Du lịch sẽ là đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025
Theo Báo cáo số 42/BC-BCĐ của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 – 2020, trong giai đoạn vừa qua ngành Du lịch Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhiều dự án du lịch, khu du lịch dần định hình quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, hợp tác khai thác du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Cao Bằng đạt 185.040 lượt, tăng 63,4% so với năm 2018, vượt 146,7% so với mục tiêu. Khách nội địa đạt 1.364.306 lượt, tăng 22% so với năm 2018, vượt 66,4% so với mục tiêu. Doanh thu du lịch (lưu trú, tham quan, lữ hành) đạt 480,570 tỷ đồng, tăng 32,27% so với năm 2018. Thu nhập xã hội từ du lịch trên 1.057 tỷ đồng, vượt 151,7% so với mục tiêu. Tỷ trọng du lịch ước chiếm 2,68 % tổng GDP toàn tỉnh, ước đạt 89,33% so với mục tiêu.
Báo cáo nêu rõ định hướng phát triển của Du lịch Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, xác định Du lịch là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 – 2025, triển khai, thực hiện tốt Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, tại Thông báo số 451/ TB-VPCP ngày 07/12/2018, định hướng tập trung đột phá phát triển thế mạnh về dịch vụ du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam.
Phấn đấu đến năm 2025, Cao Bằng đón khoảng 4 triệu khách du lịch, tăng từ 15-18%, trong đó trên 900 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 30-32%. Tăng trưởng du lịch đạt từ 18-20%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 30-35%. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng. Tỷ trọng du lịch đến năm 2025 chiếm 5-6% trong tổng GDP toàn tỉnh. Phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc đạt tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc. Ngoải ra tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch; phát huy giá trị của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương. Chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch…
HN