Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, để trả lời câu hỏi "Đắk Lắk cần phải làm gì để thu hút đầu tư hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu vùng Tây Nguyên?" thì cần phải đào sâu suy nghĩ, tìm tòi tìm ra những giải pháp hữu hiệu, hấp dẫn để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững.
Theo Phó Thủ tướng, Đắk Lắk là thủ phủ của cà phê vùng Tây Nguyên, là trọng điểm cho phát triển cây công nghiệp; ngoài ra, tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, phải nhìn nhận vào thực tế, hiện nay Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trong lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư...
Đặc biệt, Đắk Lắk cũng đang đứng trước thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu, trong khi, nguồn lực cho phát triển lại rất hạn chế. Chính vì vậy, Đắk Lắk cần rà soát lại định hướng, tầm nhìn cũng như những chỉ đạo, công việc cụ thể, chính sách và hành động phát triển đồng bộ, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, hiệu quả; phấn đấu đến năm 2021, Đắk Lắk trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã gợi ý một số định hướng lớn cho tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. Cụ thể, Đắk Lắk cần phải có một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa (kinh tế - xã hội, không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai...) gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; cần phải đẩy mạnh tiết giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, cũng như giữ chân các doanh nghiệp đang đầu tư; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Tỉnh cũng phát huy tính năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan chức năng để giúp các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng thủ tục giấy tờ đầu tư vào Đắk Lắk…
Theo Phó Thủ tướng, Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên sẽ phải chịu thách thức lớn về biến đổi khí hậu. Do đó, ngay từ bây giờ phải biết chắt chiu tiết kiệm tài nguyên nước, đất đai để có thể phát triển lâu dài, không được sử dụng lãng phí nguồn nước; phải có tính toán căn cơ và bước đi thích hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu; cần có quy hoạch hệ thống hồ chứa nước và trạm bơm hợp lý, có các giải pháp công nghệ cao; tiết kiệm sử dụng nước; thu hồi tái tạo lại nước sạch…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, có những cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù để vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phát huy tối đa mọi nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính phủ cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài nước hãy tích cực tìm hiểu các tiềm năng, lợi thế, các cơ hội đầu tư tại vùng đất này, kết hợp với kinh nghiệm và nguồn lực của mình để có những chiến lược đầu tư bài bản và hiệu quả, khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng rất lớn của vùng đất này. Từ đó tạo thêm giá trị, mang lại lợi nhuận chính đáng cho doanh nghiệp mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng và cơ hội để thu hút đầu tư. Tỉnh ưu tiên các dự án chế biến nông - lâm sản thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm trường, giảm thiểu chất thải; phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao.
Xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu quyết định việc đầu tư vào tỉnh, nên tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hành động cụ thể quyết liệt, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, công khai minh bạch, thông tin đến các nhà đầu tư, cập nhập đầy đủ hệ thống quy hoạch, kế hoạch về kinh tế - xã hội.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, tỉnh Đắk Lắk có nhiều thế mạnh như: lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng phát triển nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến; phát triển du lịch.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, để tiếp tục tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn, Đắk Lắk cần những động lực mới theo hướng tạo đột phá để bứt phá. Về định hướng chung, Đắk Lắk cần từ bỏ cách tiếp cận lấy tài nguyên thiên nhiên làm động lực chính, coi khai thác tài nguyên thô làm phương thức chủ đạo của tăng trưởng; chấm dứt triệt để xu hướng “tăng diện tích canh tác, diện tích gieo trồng”, coi đây là một thành tích. Ngược lại tỉnh phải có chế tài nghiêm khắc với hành vi phá rừng lấy đất canh tác.
Để phát triển mạnh mẽ, Đắk Lắk cần phải chuyển hướng sang định hướng xây dựng chuỗi sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế, hướng tới giá trị gia tăng cao thành định hướng ưu tiên trong chiến lược tái cơ cấu của tỉnh; khuyến khích thu hút đầu tư, tạo chuỗi, đặc biệt là công đoạn chế biến sâu cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Đối với các doanh nghiệp cần đầu tư tạo chuỗi, nhằm mục tiêu lôi kéo và thúc đẩy phát triển các nhà đầu tư lớn, đóng vai trò dẫn dắt chuỗi.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, để nâng cao số lượng và chất lượng đầu tư, tỉnh Đắk Lắk cần xác định rõ danh mục các dự án, các lĩnh vực ưu tiên để tập trung thu hút đầu tư, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng một kế hoạch xúc tiến đầu tư chủ động hơn, tập trung vào tiếp cận, làm việc với những đối tác trọng tâm, các nhà đầu tư lớn có năng lực để tạo thành những dự án, những công trình lớn hiệu quả.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh cần lồng ghép với các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch để quảng bá cho hình ảnh, tiềm năng, xây dựng thương hiệu địa phương và kịp thời truyền tải những thông điệp mới của tỉnh, giới thiệu những cơ hội, những tiềm năng đầu tư thương mại, du lịch của tỉnh tới các doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục củng cố, tăng cường hiệu quả của liên kết vùng của tỉnh với khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trong đó xác định rõ vai trò của Đắk Lắk là trung tâm của vùng Tây Nguyên...
Tại hội nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết biên bản hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về phát triển nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký cho các nhà đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 71.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, y tế…
Nguồn: baotintuc.vn