Mùa đẹp ở Stơr
Từ TP. Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi đáp máy bay đến sân bay Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), sau đó di chuyển bằng đường bộ đến Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) với quãng đường chừng 50km.
Dừng chân buổi tối tại thị xã An Khê, thời tiết rất mát mẻ. Vào buổi tối, nhiệt độ khoảng 22 độ C, gió thổi nhè nhẹ, khiến nhiều người có cảm giác tựa như đang ở Đà Lạt. Ban ngày, thời tiết tại khu vực này lại khá nắng, rơi vào khoảng 32 - 33 độ C, tuy nhiên gió thổi nhiều nên khu vực này cũng khá dễ chịu, không như nhiều nơi khác.
Ngồi cà phê, chúng tôi rất háo hức khi nghe người dẫn đường nói về cung đường vào Làng kháng chiến Stơr cũng như nhiều câu chuyện về anh hùng Núp. Đây chính là nơi Anh hùng Núp đã sinh ra, lớn lên, rồi lãnh đạo đồng bào dân tộc Tây nguyên chống giặc ngoại xâm với nhiều chiến thắng đã đi vào sử sách.
Từ thị xã An Khê, băng qua huyện Đắk Pơ, chúng tôi rẽ vào đường Đông Trường Sơn để đến với huyện K’Bang. Hai bên đường có nhiều cánh đồng trải dài tít tắp, hiện đang vào mùa trồng mía. Xa xa là những ngọn đồi, với cây xanh nằm dưới ánh mặt trời tô điểm, tạo nên một bức tranh đồng quê thật đẹp. Chúng tôi đến Làng Stơr, không khó để tìm thấy Nhà lưu niệm anh hùng Núp. Khá nhiều hiện vật về vị anh hùng của buôn làng được trưng bày lưu niệm tại đây như: các vật dụng từng được ông sử dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, một số kỷ vật khi ông làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai – Kon Tum, nhiều bức ảnh ông sang thăm Cuba vào năm 1964... Trò chuyện với phóng viên, bà Giang Kim Năm - con dâu của Anh hùng Núp – hiện sống trong một căn nhà nhỏ kế bên Nhà lưu niệm anh hùng Núp, cho biết: Gia đình đã trao tặng toàn bộ hiện vật về Anh hùng Núp cho Nhà nước để trưng bày tại Nhà lưu niệm. Việc làm này là ý nghĩa và phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, về nguồn. Hàng năm vẫn có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến đây du lịch, về nguồn tham quan Làng kháng chiến, tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa - lịch sử đầy khí chất hào hùng của địa phương nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Phát triển du lịch cộng đồng
Theo hồ sơ tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Làng kháng chiến Stơr (nằm ở xã Tơ Tung) có đại bộ phận dân tộc Bana sinh sống. Đây cũng là nơi sinh ra và lớn lên của người Anh hùng Đinh Núp. Trước cách mạng tháng 8/1945, Anh hùng Núp đã hoạt động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp và mô hình Làng kháng chiến từ chiến trường Gia Lai ra đời.
Từ tháng 9/1950 đến tháng 2/1951, quân Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân đến làng Stơr để càn quét, đốt làng, phá rẫy…; với mục đích quyết phá cho được dấu tích Làng Stơr.
Trước sức mạnh của quân đội viễn chinh Pháp, Chi bộ Đảng - Thôn trưởng Núp đã chỉ huy dân làng Stơr kiên quyết bám đất, giữ làng. Bền bỉ đấu tranh bằng những vũ khí “rừng”, tuy thô sơ như chông tre, bẫy, đá, cung tên… nhưng với chiến thuật - chiến lược đấu tranh du kích “thoắt ẩn, thoắt hiện” vô cùng thông minh. Qua đó, đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch và Làng đã trở thành “mảnh đất chết” đối với từng bước chân của kẻ xâm lăng. Vì vậy, Anh hùng Núp và Làng Stơr đã trở thành huyền thoại trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, trở thành biểu tượng cho một Tây Nguyên bất khuất. Đồng thời, cuộc đời cách mạng của Anh hùng Núp đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử. Ông cũng là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được bạn bè quốc tế cảm phục.
Làng kháng chiến Stơr được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hoá vào năm 1993. Hiện tại, địa phương đang có nhiều kế hoạch để phát triển du lịch tại Làng nói riêng và huyện K’Bang nói chung, gắn với Nhà lưu niệm Anh hùng Núp cũng như hoạt động sinh hoạt cộng đồng của đồng bào người Bana tại khu vực này. Chính quyền địa phương cũng xác định, phát triển các giá trị lịch sử - văn hóa gắn với du lịch cộng đồng buôn làng. Ngoài Làng kháng chiến Stơr, tại khu vực này còn có các làng khác như: Leng, Đắk Pơ Kao, Kuk Tung… với nhiều đặc điểm sinh hoạt của cộng đồng buôn làng, gắn với các giá trị văn hóa của người đồng bào hết sức phong phú, đa dạng.
Ông Đinh Đình Chi - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện K’Bang cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 4 làng du lịch cộng đồng: Ngoài Làng kháng chiến Stơr, còn có Làng Chiêng (thị trấn K’Bang) và Làng Mơ Hra, Làng Kjang (xã Kông Lơng Khơng). Từ nhiều năm qua, UBND huyện cũng đã ban hành nhiều kế hoạch về phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, trong đó có 4 làng này. Dự kiến tới năm 2025, huyện cũng xác định sẽ xây dựng được 7 làng du lịch cộng đồng. Song song đó, địa phương cũng đang thực hiện nhiều hoạt động hơn để đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách như: Khôi phục lại các làng nghề truyền thống, sản xuất rượu cần, thêu dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc… hướng đến mục tiêu đón trên 20 nghìn lượt khách mỗi năm.
Thanh Tùng