Phiên họp Ủy ban kinh tế trong khuôn khổ AIPA-42 nhấn mạnh hợp tác tăng cường phục hồi du lịch ASEAN và hướng tới du lịch trách nhiệm và bền vững
Hội nghị trực tuyến Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 gồm 05 chủ đề nghị sự: (1) Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA, (2) Ủy ban Chính trị, (3) Ủy ban Kinh tế (bao gồm nội dung về du lịch), (4) Ủy ban Xã hội, (5) Ủy ban Tổ chức.
Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã thảo luận về hai dự thảo Nghị quyết: Thúc đẩy ASEAN số có tính tăng cường nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN; Phục hồi kinh tế sau đại dịch: hợp tác du lịch trong ASEAN.
Phiên thảo luận diễn ra cởi mở, thẳng thắn, với tinh thần hợp tác, chia sẻ và thấu hiểu để đi đến nhiều thống nhất, đồng thuận vì mục tiêu phát triển kinh tế khu vực, nhất là ở những lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi đại dịch COVID-19 là du lịch và hoạt động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Các đại biểu đánh giá cao chủ đề lần này bởi lẽ việc thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm và hợp tác du lịch trong ASEAN hậu COVID-19 là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực thường xuyên, liên tục và cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên.
Tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết "Thúc đẩy ASEAN số có tính tăng cường nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN", Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách hướng tới hài hòa hội nhập kinh tế và phục hồi xanh, bao trùm tại khu vực ASEAN, ưu tiên kết nối, đặc biệt là kết nối tiểu vùng, vùng sâu và vùng xa, nhằm đạt được mục tiêu hội nhập tại các ngành kinh tế có tính dẫn dắt cho quá trình hội nhập kinh tế tổng thể khu vực ASEAN.
Huy động và phân bổ đủ ngân sách và nguồn lực cho kết nối kỹ thuật số, trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật số cho người dân trong khu vực ASEAN; Ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) cho ASEAN.
Khuyến khích mỗi quốc gia xây dựng định hướng số hóa cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực và khả năng cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế số; Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa chuyển đổi số và các nền tảng công nghệ số xuất sắc trong các nước ASEAN.
Về dự thảo Nghị quyết phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hợp tác du lịch ASEAN, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam kêu gọi các thành viên Nghị viện AIPA tham gia vào các kế hoạch phục hồi sau COVID-19, hướng tới sự ổn định và phát triển trong khu vực, đặc biệt là Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19, Sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai; hối thúc việc triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về An ninh và Tự cường vắc-xin, Kho Dự trữ Trang thiết bị y tế ASEAN và Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN.
Đồng thời, ủng hộ mục tiêu của Tầm nhìn Du lịch ASEAN đến năm 2025 hướng tới du lịch trách nhiệm và bền vững, thúc đẩy phục hồi xanh và đa dạng văn hóa trong du lịch; Khuyến khích xây dựng cơ chế “bong bóng du lịch”, thiết lập “hành lang xanh”, tạo ra các tuyến đường đặc biệt đến các địa điểm du lịch tại các quốc gia thành viên. Nhấn mạnh các quốc gia cùng nhau tạo dựng nền tảng để phục hồi du lịch trong dài hạn và sẵn sàng ứng phó với các khủng hoảng, ASEAN cần tập trung nguồn lực hỗ trợ lĩnh vực du lịch trong giai đoạn khủng hoảng do tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần thực hiện đánh giá các rủi ro lớn có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch như dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt, khủng bố, bất ổn chính trị...; tiếp tục tương tác với các hội đồng, các bộ phận và các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về sự liên kết của du lịch với các lĩnh vực khác; thúc đẩy thành lập các quỹ phục hồi du lịch ở cấp quốc gia.
Sau khi được thảo luận kỹ lưỡng, đi đến đồng thuận, thống nhất cao, Nghị viện các nước thành viên AIPA đã thông qua hai Nghị quyết. Các nội dung này sẽ được đưa vào Báo cáo Ủy ban Kinh tế và Thông cáo chung và sẽ được trình bày tại Phiên toàn thể thứ hai Đại hội đồng AIPA-42.
Đại hội đồng AIPA 42 nhấn mạnh thông điệp về sự đồng thuận, đồng hành cùng ASEAN trong nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, vượt qua khó khăn để phục hồi kinh tế, củng cố đoàn kết trong khối, thể hiện hình ảnh một ASEAN trách nhiệm, sẵn sàng phối hợp ứng phó các vấn đề nảy sinh.
ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Theo phân công, Việt Nam đang là Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN - ATPMC giai đoạn 2020-2021. Du lịch Việt Nam đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược ASEAN về sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch” và dự án phát triển sản phẩm mới “Chương trình du lịch tham quan lễ hội truyền thống ASEAN”. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
|
PV