Phó Thủ tướng Trung Quốc, Vương Dương nhấn mạnh, kể từ khi gia nhập UNWTO vào năm 1983, đây là lần thứ 2 Phiên họp Đại hội đồng UNWTO được tổ chức tại Trung Quốc. Ngành Du lịch Trung Quốc đã có bước tiến đáng kể, đóng góp 10% cho nền kinh tế của quốc gia. Du lịch thông minh sẽ định hướng phát triển du lịch và cần phải áp dụng các chính sách thúc đẩy du lịch bền vững. Tổ chức Du lịch Thế giới sẽ đóng vai trò không thể thay thế với việc ủng hộ các quốc gia phát triển du lịch bền vững trên nhiều góc độ. Trong phát biểu khai mạc của mình, ông Taleb Rifai bày tỏ sự tự hào về vai trò dẫn dắt của Tổ chức Du lịch Thế giới trong lồng ghép du lịch vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trước khi bắt đầu chương trình nghị sự của Phiên họp lần thứ 22 Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Thế giới, Đại hội đồng đã có Phiên đối thoại “Du lịch và các mục tiêu phát triển bền vững: hành trình đến năm 2030”. Đã có hơn 20 Bộ trưởng du lịch của các quốc gia thành viên tham gia thảo luận tập trung vào các vấn đề: Đóng góp của du lịch vào các mục tiêu SDGs tại quốc gia và du lịch đóng góp tốt nhất cho mục tiêu nào? Làm sao để du lịch trở thành một bộ phận không thể thiếu trong quản lý đất nước và lồng ghép vào trong các kế hoạch phát triển đất nước? Làm thế nào để các khuôn khổ hiện tại lồng ghép tốt hơn các mục tiêu SDGs trong quy hoạch du lịch? Làm thế nào để các nhà hoạch định chính sách khuyến khích doanh nghiệp du lịch đóng góp vào thực hiện mục tiêu này? Xây dựng quan hệ đối tác giữa nhà nước và doanh nghiệp? Làm thế nào để cộng đồng các nhà tài trợ cung cấp thêm quỹ cho du lịch? Làm thế nào để các nước đã phát triển cung cấp thêm ODA cho du lịch? Cơ chế tài chính mới bổ sung cho nguồn vốn ODA và hợp tác phát triển nhằm đạt mục tiêu SDGs.
Các Bộ trưởng tham gia đối thoại ủng hộ đánh giá của UNWTO và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) về vai trò và đóng góp của du lịch. Du lịch được tin tưởng là yếu tố có thể đóng góp trực tiếp cho 3 mục tiêu (tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, tiêu dùng bền vững và sản xuất và sử dụng bền vững các tài nguyên) và đóng góp gián tiếp vào tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Tổng Thư ký UNWTO, năm 2016 đã có 1.235 triệu lượt người đi du lịch quốc tế, tăng gấp 2 lần so với năm 2000 (674 triệu lượt). Thu nhập từ du lịch là 1.400 tỷ đô la Mỹ, giá trị xuất khẩu tại chỗ của hàng hóa và dịch vụ liên quan tới du lịch chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu và 30% xuất khẩu dịch vụ toàn cầu. Trong 10 việc làm tạo ra có 1 việc làm về du lịch. Thu nhập du lịch chiếm tỷ trọng 10% GDP toàn cầu. |
Tại Phiên họp ngày 13/9/2017, Đại hội đồng đã phê duyệt đơn xin gia nhập của nhà nước Palestine và Liên bang Comoros, nâng tổng số thành viên đầy đủ của Tổ chức lên 158 quốc gia. Trước Lễ Khai mạc, các Bộ trưởng và Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm với Phó Thủ tướng Trung Quốc.
Tại Phiên họp ngày 14/9/2017, Đại hội đồng đã bầu ông Zurab Pololikashvili, ứng viên đã được nước thành viên Grudia giới thiệu theo Điều lệ của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và đề nghị của Phiên họp Hội đồng Điều hành UNWTO lần thứ 105 là Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới nhiệm kỳ 2018 - 2020 theo nguyên tắc đồng thuận vào ngày 14/9/2017. Ông Zurab Pololikashvili đã từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Grudia (2009 - 2010) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Grudia (2005 - 2006).
Cùng ngày, Đại hội đồng UNWTO lần thứ 22 cũng đã quyết định chọn chủ đề Ngày Du lịch Thế giới năm 2018 là “Du lịch và Sự chuyển đổi số” (Tourism and the digital transformation) và năm 2019 là “Du lịch và Việc làm: tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả” (Tourism and Jobs: a better future for all). Về địa điểm, Đại hội đồng UNWTO lần thứ 22 chọn Hungary là nước đăng cai tổ chức Ngày Du lịch Thế giới 2018 và Ấn Độ được chọn là nước đăng cai tổ chức Ngày Du lịch Thế giới 2019. Ngày Du lịch Thế giới 2017 sẽ được tổ chức tại Doha, thủ đô Qatar vào ngày 27/9 sắp tới với chủ đề “Du lịch bền vững: Công cụ phục vụ phát triển”.
Trong 2 ngày tới, Đại hội đồng dự kiến sẽ thảo luận quyết định nhiều vấn đề quan trọng: kế hoạch làm việc của UNWTO giai đoạn 2018 - 2019, thông qua Công ước của UNWTO về bảo vệ khách du lịch và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, Công ước khung của UNWTO về ứng xử trong du lịch, chuyển đổi Quỹ ST-EP thành Tổ chức quốc tế ST-EP (Du lịch bền vững - Giảm nghèo) đặt trụ sở tại Hàn Quốc,…
Sau Lễ Khai mạc, các Bộ trưởng và Trưởng đoàn đã tham gia vào “Lễ trồng cây” nhằm hưởng ứng Năm quốc tế về du lịch bền vững và Phiên đối thoại cao cấp “Du lịch và các mục tiêu phát triển bền vững: hành trình đến năm 2030” tại Công viên Quý Khê, Thành phố Thành Đô.
Tin và ảnh: Vụ HTQT