Phiên họp Cơ quan du lịch quốc gia các nước ASEAN lần thứ 38 và ASEAN+3 lần thứ 23 tại Myanmar

Đại diện các cơ quan du lịch quốc gia của các nước thành viên ASEAN chụp ảnh lưu niệm
Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan du lịch quốc gia của các nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, Trung tâm ASEAN Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc và ASEAN - Nhật Bản. Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, ông U Htay Aung, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar nhấn mạnh: du lịch hiện đang được xem là trụ cột của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và đến năm 2015, ASEAN sẽ phấn đấu trở thành khu vực lưu chuyển tự do của những lao động có tay nghề, của các dòng vốn, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Phiên họp lần này sẽ thống nhất những kết quả đạt được trong các phiên họp nhóm công tác để đệ trình lên hội nghị các Bộ trưởng Du lịch ASEAN thông qua.
Năm 2012, số lượng khách du lịch quốc tế đến ASEAN đạt trên 89 triệu khách, tăng 8% so với năm 2011 (tăng gấp 2 lần so với mức tăng trung bình của du lịch thế giới là 4%), trong đó lượng khách nội khối ASEAN chiếm 45%. Hầu hết các nước ASEAN (ngoại trừ Brunei) đạt mức tăng trưởng dương về khách du lịch, trong đó Myanmar đạt mức tăng cao nhất, gần 30%, tiếp đến là Campuchia (trên 24%), Lào (trên 22%) và Thái Lan (trên 17%). Về số lượng, Malaysia đón được nhiều khách du lịch nhất với trên 25 triệu lượt, tiếp đến là Thái Lan (trên 22 triệu) và Singapore (trên 14 triệu).
Những nội dung quan trọng của phiên họp NTOs ASEAN lần thứ 38 là đánh giá tình hình phát triển du lịch khu vực ASEAN; thảo luận về các nội dung liên quan đến phát triển du lịch; rà soát tiến độ triển khai kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN giai đoạn 2011 – 2015; triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA); thảo luận về hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế; thảo luận về các hoạt động hợp tác du lịch trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác khác: như Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Tam giác tăng trưởng Indonesia, Malaysia và Thái Lan (IMT-GT), khu vực tăng trưởng Đông ASEAN gồm 4 nước Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines (BIMP-EAGA)...; thông qua báo cáo của các Nhóm công tác của các Cơ quan Du lịch quốc gia gồm: Nhóm công tác Truyền thông và tiếp thị, Nhóm công tác Phát triển sản phẩm du lịch, Nhóm công tác Du lịch chất lượng, Ủy ban Giám sát nghề du lịch, Ủy ban Ngân sách và hội nhập du lịch.
Đoàn Việt Nam với vai trò là trưởng nhóm công tác Truyền thông và tiếp thị đã trình bày báo cáo tại phiên họp nhóm công tác lần thứ 5 và đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch nội khối.
Ngoài ra, bên lề phiên họp còn có các hoạt động đáng chú ý như: các phiên họp ASEAN NTOs+3 với những nội dung: thảo luận về kết quả hợp tác du lịch ASEAN+3 thời gian qua và kế hoạch hợp tác trong thời gian tới; thảo luận về dự thảo Biên bản hợp tác du lịch (MOC) ASEAN+3 và nhiều hoạt động quan trọng khác… hướng ngành Du lịch ASEAN đi vào chiều sâu, thúc đẩy hiệu quả sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa các nước trong khối ASEAN, đưa ASEAN thành một điểm đến thống nhất.
Đoàn Việt Nam đã tham gia đầy đủ các cuộc họp và phát biểu quan điểm, đóng góp ý kiến đối với nhiều nội dung thảo luận tại các cuộc họp, đảm bảo lợi ích chung cho du lịch các nước ASEAN và lợi ích cũng như vị thế của Du lịch Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động chính thức, đoàn Việt Nam cũng đã tranh thủ tiếp xúc và trao đổi song phương với các đoàn tham dự phiên họp để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương.
PV