Sản phẩm đặc sắc có thể đưa vào khai thác
Sản phẩm ẩm thực
Bến Tre là vùng đất trồng dừa nhiều nhất cả nước, các món ăn đặc sản của BếnTre hấu hết đều liên quan đến dừa, từ nước dừa, cơm dừa, và nước cốt dừa thậm chí cả những sinh vật sống “ký sinh” vào cây dừa như đuông dừa hay chuột dừa với số lượng nhiều, độc đáo và đặc trưng mà không một nơi nào ở Việt Nam có được. Do đó, thưởng thức ẩm thực xứ dừa là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của du khách trong hành trình khám phá văn hóa ẩm thực Nam Bộ.

Sản phẩm trải nghiệm
Bến Tre có hệ thống kênh rạch chằng chịt đặc trưng của vùng sông nước và những khu vườn trù phú với cảnh quan đặc sắc có giá trị thu hút cao đối với du khách. Hoạt động của du khách khi đến với dòng sản phẩm này là tham quan và trải nghiệm cuộc sống người dân sông nước miệt vườn. Không gian tiêu biểu của nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm giá trị sông nước miệt vườn là các điểm du lịch sinh thái miệt vườn trên địa bàn toàn tỉnh. Nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm đời sống người dân địa phương ở Bến Tre bao gồm các hoạt động như: tìm hiểu, trải nghiệm sinh hoạt truyền thống của cộng đồng qua đời sống thường ngày của người dân ở các làng quê ven sông, trên các cù lao; khám phá sự trù phú về nông sản của vùng đất Bến Tre, trong đó, du lịch miệt vườn là loại hình đặc trưng và có thế mạnh của Bến Tre.
Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống của người dân Bến Tre cũng chứa đựng những tiềm năng du lịch rất lớn. Các hoạt động chủ yếu của du khách là tham quan tìm hiểu làng nghề và mua sắm. Nổi bật là làng nghề sản xuất những sản phẩm từ dừa như: làng nghề làm kẹo dừa, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc... Du khách đến tham quan các làng nghề để tìm hiểu quy trình sản xuất của những người thợ và thưởng thức các sản phẩm mới ra lò. Các sản phẩm từ dừa của các làng nghề thủ công mỹ nghệ rất được du khách ưa chuộng và việc khai thác giá trị của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào hoạt động du lịch đang chứa đựng nhiều tiềm năng lớn.
Du lịch về nguồn
Các di tích lịch sử - văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù, là đối tượng khai thác để phát triển du lịch tại Bến Tre. Những điểm du lịch về nguồn ở Bến Tre được du khách quan tâm như: Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định - mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi, Nhà cổ Huỳnh Phủ...
Một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Bến Tre
Đối với sản phẩm ẩm thực, cần xây dựng sản phẩm du lịch ẩm thực đặc trưng, xây dựng ấn phẩm về các món đặc sản địa phương, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin cơ bản: danh sách món đặc sản, địa chỉ, thời gian bán, giá cả… Đồng thời, phát hành ấn phẩm rộng rãi tại cơ sở kinh doanh du lịch địa phương: cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, vận chuyển… để du khách dễ tiếp cận; giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch ẩm thực đặc trưng địa phương thông qua các sự kiện du lịch bằng cách giới thiệu ấn phẩm, mời dùng thử và bán hàng tại chỗ... Bên cạnh đó, cần quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực qua hoạt động du lịch như cách thức chế biến và thưởng thức món ăn.
Đối với sản phẩm trải nghiệm: nâng cao ý thức cộng đồng dân cư, cùng nhau thực hiện, cùng nhau hưởng lợi; cùng góp phần bảo vệ, giữ gìn những kiến trúc truyền thống; đảm bảo một môi trường an toàn và an ninh cho du khách; đồng thời, vận động thu hút nhiều hộ gia đình có điều kiện trên địa bàn tham gia vào hoạt động du lịch. Có chính sách đầu tư, tuyên truyền lợi ích của ngành Du lịch nhằm kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng của cộng đồng địa phương, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du khách, từng bước chuẩn hóa đội ngũ nhân viên trong ngành du lịch, chủ động xây dựng chiến lược phát triển lâu dài nhằm tạo nền tảng phát triển du lịch vững chắc hơn trong tương lai.
Bến Tre cần tiếp tục có chính sách khôi phục, bảo tồn, hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề truyền thống; đồng thời, gắn kết giữa du lịch với hoạt động làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, các hộ dân của làng nghề cùng phối hợp, tham gia phát triển du lịch, thông qua thiết kế các tour sinh thái, kết hợp tham quan làng nghề, xây dựng các cửa hàng trưng bày và bán trực tiếp cho du khách. Phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với du lịch văn hóa nhằm phát huy khai thác kết hợp bảo tồn nguồn tiềm năng đa dạng, phong phú, góp phần xây dựng thành công thương hiệu Du lịch Bến Tre.
Đối với du lịch về nguồn: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của Du lịch Bến Tre nói chung và đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa, khai thác tốt loại hình du lịch tâm linh thông qua kết nối các lễ hội truyền thống trong tỉnh; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch của tỉnh với doanh nghiệp du lịch của các địa phương trong cả nước nhằm hình thành sản phẩm đặc thù từ khai thác di tích lịch sử văn hóa của Bến Tre; xây dựng những chương trình du lịch theo chuyên đề văn hóa, lịch sử tạo nên tính du lịch liên vùng, hấp dẫn du khách; tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo chào bán cho khách du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong điều kiện sản phẩm du lịch vừa thiếu, vừa chậm được đổi mới thì phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Bến Tre gắn với các sản phẩm dừa phải được xem là định hướng chiến lược để thu hút khách, nhất là khách quốc tế.
Tài liệu tham khảo
1. UBND tỉnh Bến Tre (2008), Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.
2. UBND tỉnh Bến Tre (2016), Chương trình Phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch đặc thù Bến Tre đến năm 2020.
3. Sở KH&CN Bến Tre (2010), Tiềm năng du lịch sinh thái vườn Bến Tre, Thông tin từ website của Sở KH&CN Bến Tre
4. Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang, (2011), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011 ngành du lịch Tiền Giang; Khách du lịch đến với Tiền Giang phân theo khu vực từ năm 2005 đến năm 2011...
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên