
|
Thác Bạc - Tam Đảo Ảnh: Đức Xuyên |
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ Ở VIỆT NAM
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định “Phát triển du lịch bền vững, theo định hướng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới”
Như vậy việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của Du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập của Du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế.
Căn cứ đặc điểm tài nguyên du lịch – yếu tố quan trọng quyết định đối với phát triển sản phẩm du lịch – và các điều kiện có liên quan, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đã xác định định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho từng vùng du lịch
- Vùng du lịch Bắc bộ: sản phẩm du lịch đặc thù của vùng là du lịch văn hóa trên nền văn minh lúa nước, du lịch sinh thái kết hợp với tham quan, nghiên cứu và nghỉ dưỡng.
- Vùng du lịch Bắc Trung bộ: sản phẩm du lịch đặc thù của vùng là du lịch thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng biển, tham quan các di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, du lịch hang động và du lịch quá cảnh qua hành lang Đông Tây
- Vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ: các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển và núi, du lịch sông nước, du lịch sinh thái đồng bằng sông Cửu Long
Mặc dù đã có được định hướng cho hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đặc thù theo vùng miền nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với khu vực và quốc tế, tuy nhiên trong thực tế việc phát triển các sản phẩm du lịch ở Việt Nam thời gian qua có những đặc điểm cơ bản sau:
- Phát triển sản phẩm mà thiếu những nghiên cứu cần thiết nhằm xác định cụ thể “tính hấp dẫn, độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện” của tài nguyên du lịch.
- Phát triển sản phẩm với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn: nhằm giảm chi phí và tăng thu, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chương trình tour, đánh giá “cung – cầu”… để xây dựng sản phẩm du lịch đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác.
- Phát triển sản phẩm một cách thiếu sáng tạo, “rập khuôn” và “máy móc”: với quan niệm cần “học hỏi” để rút ngắn thời gian và chi phí cho việc phát triển sản phẩm du lịch, nhiều nhà đầu tư đã “copy” gần như toàn bộ mô hình những khu, điểm du lịch mà mình có điều kiện tham quan, khảo sát mà thiếu cân nhắc khi áp dụng trong những điều kiện không phù hợp về tự nhiên, văn hóa – xã hội cũng như quan hệ “cung – cầu”.
- Phát triển sản phẩm không đúng với bản chất do sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư. Thể hiện điển hình nhất của tình trạng này là việc phát triển các sản phẩm “du lịch sinh thái”. Phần lớn các sản phẩm du lịch sinh thái hiện nay đều không đúng với bản chất đã được quy định, trong đó phổ biến là thiếu nội dung về “giáo dục môi trường”; “có sự đóng góp cho nỗ lực bảo tồn”; và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng”.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ Ở VIỆT NAM
Căn cứ vào những vấn đề lý luận đã phân tích và thực trạng phát triển sản phẩm du lịch nói chung, sản phẩm du lịch đặc thù nói riêng ở Việt Nam thời gian qua, một số giải pháp cơ bản cần được xem xét thực hiện bao gồm:
- Trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đã được xác định trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, cần xây dựng một số chương trình hành động cụ thể đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng vùng miền.
- Để có được hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các Chương trình hành động trên đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư, cần thiết phải có được đánh giá toàn diện và có hệ thống về hệ thống các sản phẩm du lịch Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù. Trên cơ sở những đánh giá này mới có thể xác định được sản phẩm du lịch nào cần được “nâng cấp” hoàn thiện và sản phẩm du lịch nào cần được phát triển mới cũng như cấp quy mô (địa phương, vùng, quốc gia) cần phát triển.
- Cần nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch.
- Cần có sự hợp tác, tham vấn của các cơ quan quản lý và tư vấn trung ương đối với những dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái, văn hóa.
- Cần nâng cao nhận thức xã hội, trước hết là nhận thức của các nhà quản lý các cấp, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là các sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Việc thực hiện một số giải pháp cơ bản trên đây sẽ góp phần tích cực vào quá trình hình thành hệ thống các sản phẩm đặc thù của Việt Nam, tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn du lịch giữa các địa phương, các vùng miền và từ đó sẽ tạo được sự khác biệt, hấp dẫn chung của Du lịch Việt Nam mà du khách muốn được khám phá./.
PGS. TS. PHẠM TRUNG LƯƠNG
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
Xem chi tiết trên Tạp chí DLVN số tháng 8/2007