Theo thống kê, lĩnh vực sản xuất năng lượng chiếm đến 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Ở Việt Nam, con số này còn lớn hơn do khoảng 50% nguồn điện đến từ các nhà máy điện than và khí đốt. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 6,28% trong các nguồn năng lượng và chủ yếu tới từ thủy điện nhỏ (chiếm đến 80%), còn địa nhiệt là 0%. Năm 2016, Việt Nam đã điều chỉnh sơ đồ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Theo đó, công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo phải đạt đến 9,9% vào năm 2020, 12,5% vào năm 2025 và 21% vào năm 2030. Tuy nhiên, địa nhiệt chưa được nhắc đến là một trong các nguồn năng lượng tái tạo đưa vào quy hoạch.
Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng một nền kinh tế xanh. Việc nghiên cứu địa nhiệt ở Việt Nam đã được quan tâm từ khá lâu, bắt đầu từ nghiên cứu các nguồn nước khoáng nóng trong các chương trình địa chất thủy văn có sự hợp tác với các chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, New Zealand, Italia từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Vì vậy, phát triển địa nhiệt ở Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại một nguồn năng lượng mới, những cơ hội mới, nâng cao năng lực, trình độ cho các nhà khoa học, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần xây dựng nền kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng đến.
Tại hội thảo, các các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia đã trình bày về năng lượng, địa nhiệt trong nước và trên thế giới về tình hình phát triển địa nhiệt ở Việt Nam và các nước trên thế giới; đồng thời, trao đổi về tiềm năng hợp tác nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng tái tạo, xanh, sạch, không phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
PV