(VTR) - Quảng Trị có 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Đakrông, Bắc Hướng Hóa, Cồn Cỏ) và 2 khu bảo vệ cảnh quan (Rú Linh và Khu bảo tồn Đường Hồ Chí Minh). Với tổng diện tích rừng là 242.240ha, hệ động, thực vật đa dạng, phong phú và nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, những khu rừng ở Quảng Trị rất cần được triển khai công tác bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn nạn săn bắn, buôn bán trái phép động, thực vật quý hiếm, góp phần sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.
Theo đó, Quảng Trị đã ban hành một số văn bản pháp lý quan trọng như: “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 852/QĐ-UBND và Quyết định số 853/2017/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn tự nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030….; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan để kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các tụ điểm mua bán động, thực vật hoang dã trái phép; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động, thực vật quý hiếm …
Các khu bảo tồn cũng triển khai nhiều hoạt động bảo vệ các loài động, thực vật có trong khu bảo tồn, đặc biệt là các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm; đồng thời, tổ chức nhiều đợt điều tra đa dạng sinh học thuộc nhiều chương trình, dự án khác nhau.
Việc triển khai một số dự án bảo tồn đa dạng sinh học đã góp phần hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương thông qua các dịch vụ của hệ sinh thái và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhiều chương trình tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, thôn bản, trường học đã giúp người dân địa phương nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng và ký cam kết không buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, ban, ngành, và cộng đồng dân cư. Nguồn nhân lực trong quản lý nhà nước về đa dạng sinh học còn thiếu, chưa được quan tâm đào tạo về nhân lực và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học…
Để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động, thực vật quý hiếm, Quảng Trị cần quản lý khu bảo tồn từ Trung ương đến địa phương để thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn lực hiệu quả, khắc phục chồng chéo trong quản lý; hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, vận động người dân về Luật đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, không buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã; tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật về đa dạng sinh học…
PV