Nếu trước đây, những loại hình du lịch như du lịch khám phá, du lịch văn hóa lịch sử được phổ biến và phát triển khắp nơi, thì hiện nay du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn hệ sinh thái đang được chú trọng, vì thế du lịch xanh (DLX) ra đời. DLX đang chiếm ưu thế và trở thành mục đích đi du lịch của con người. Sản phẩm DLX đang thu hút khách du lịch với tính ưu việt nổi trội là bảo vệ môi trường, các dịch vụ du lịch được cung cấp có yếu tố xanh, thực hành xanh giảm thiểu tác động tiêu cực của con người lên môi trường du lịch nói riêng và môi trường thiên nhiên nói chung.
|
Phát triển DLX nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế
Trên thế giới, mô hình du lịch xanh đã được nghiên cứu nhiều năm qua từ khi xuất hiện vào những năm 80 thế kỷ 20. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Slovenia và New Zealand đã rất thành công khi phát triển DLX hướng tới bền vững. Hơn nữa, số lượng khách du lịch sẵn sàng chi trả cao hơn với mục đích vừa tốt cho sức khỏe lại không gây hại tới môi trường khi đi du lịch không ngừng gia tăng. Khảo sát của Criteo Travel Study (2019) cho thấy, trong số những khách du lịch được hỏi đến từ các quốc gia như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Anh, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc với tỷ lệ lần lượt 22%, 18%, 17%, 11%, 10%, 9% và 8,9% người trả lời mong muốn sử dụng sản phẩm DLX cho các chương trình du lịch của mình.
Điểm đến xanh và du lịch bền vững là yếu tố quyết định hành vi lựa chọn điểm đến của khách du lịch những năm gần đây (WTTC, 2017). Theo khảo sát tiêu dùng của GlobalData năm 2016, số lượng khách du lịch quan tâm và sẵn sàng sử dụng sản phẩm DLX tăng mạnh, khoảng 35% khách được hỏi có xu hướng đặt tour DLX và mong muốn sử dụng dịch vụ DLX cho chương trình du lịch của mình. Trong một khảo sát khác, tỷ lệ khách hàng muốn lựa chọn sản phẩm DLX còn ở con số cao hơn, cụ thể: Malaysia 76%, Trung Quốc 67%, Thổ Nhĩ Kỳ 65% và Đài Loan 42% (WTTC, 2015).
Nguồn khách tiềm năng thân thiện môi trường và sẵn sàng chi phí cao để được sử dụng dịch vụ xanh từ lưu trú, ẩm thực, phương tiện đi lại đang ngày càng gia tăng. Theo khảo sát của Booking.com (2020), số lượng khách du lịch mong muốn sử dụng dịch vụ lưu trú xanh, tỷ lệ tăng theo từng năm 62% năm 2016, 65% năm 2017, 68% năm 2018, 73% năm 2019.
Như vậy, một trong những tiêu chí đánh giá sức hút du lịch chính là yếu tố xanh. Tỷ trọng xanh càng nhiều tạo ra sản phẩm du lịch có năng lực cạnh tranh càng cao. Khách du lịch hiện nay đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch đem lại lợi ích về sức khỏe, trải nghiệm hoạt động du lịch trong môi trường được bảo vệ và bảo tồn văn hóa địa phương tại điểm đến.
Mặc dù, Việt Nam chưa có bộ tiêu chí xanh cho doanh nghiệp (DN) lữ hành, điểm đến du lịch, nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường ISO 14001-2015, nhãn bông sen xanh (VNTA), thành phố du lịch sạch ASEAN và bộ tiêu chí khách sạn xanh ASEAN, Du lịch Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực được khách du lịch quốc tế và cộng đồng du lịch ASEAN đánh giá cao.
Các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam được định hướng phát triển xanh và thân thiện với môi trường. Nhiều địa phương, điểm đến du lịch khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý gắn với phát triển DLX. Chính vì thế, kết quả có nhiều khu nghỉ dưỡng xanh, khách sạn xanh và điểm đến sạch được các tổ chức và hiệp hội du lịch khu vực, thế giới công nhận (bảng 1).
Bảng 1: Điểm đến sạch và khu nghỉ dưỡng/khách sạn xanh tại Việt Nam
Danh mục
|
Đặc điểm du lịch xanh
Sản phẩm du lịch xanh
|
Tổ chức thế giới công nhận khu nghỉ dưỡng xanh
|
Six Senses Côn Đảo
|
- Vật liệu xây dựng thân thiện môi trường
- Dùng gió thiên nhiên là chủ yếu
- Kiến trúc tổng thể xanh và bảo vệ môi trường
- Dịch vụ buồng phòng thân thiện môi trường
|
- National Geographic Traveler
- Luxury Topics
- World Travel Award
|
Topas Ecolodge Sapa
|
- Tổ chức tour du lịch khám phá địaphương bằng xe đạp
- Thực đơn xanh, sử dụng thực phẩm hữu cơ trồng tại địa phương
- Nhân lực là người địa phương dân tộc thiểu số
- Dầu gội đầu và sữa tắm của khu nghỉ dưỡng không gây hại môi trường
|
-National Geographic Traveler
- Luxury Topics
-World Travel Award
|
Inter- Continental Đà Nẵng
|
- Hệ thống đèn LED thông minh và hệ thống máy dò chuyển động được trang bị khắp nơi để giảm thiểu lượng khí thải Cacbon.
- Các tour tham quan cho khách tăng cường sự hiểu biết về những thách thức trong việc bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, và quần thể động thực vật cần được bảo vệ tại Sơn Trà
|
World Travel Award
|
Flamingo Đại Lải
|
- Tòa nhà Forest in The Sky, tòa nhà nhận được 5 chứng chỉ xanh EDGE có thể tiết kiệm được 45% năng lượng; 22,3% nguồn nước; các giải pháp tiết kiệm vật liệu 37,4%
- Thực phẩm hữu cơ tại địa phương cung ứng nguồn thực phẩm an toàn, tươi ngon, tạo nền tảng cho cuộc sống khỏe mạnh.
- Xe đạp, xe điện phục vụ du khách trong khu nghỉ dưỡng thay thế phương tiện gây ô nhiễm môi trường.
|
- International Property Awards (kiến trúc xanh)
- ASEAN Green Hotel Award (2018)
- EDGE của IFC - World Bank (kiến trúc xanh)
|
Thành phố Huế
|
- Quản lý môi trường thành phố đạt tiêu chuẩn
- Quản lý và xử lý tốt nước thải, chất thải
- Ý thức bảo vệ môi trường của người dân bản địa rất tốt
- Đảm bảo an toàn an ninh cho du khách
|
- ASEAN Clean city Award (2018, 2020)
|
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Một số đề xuất phát triển DLX
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh…”. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần có kế hoạch, chương trình hành động quốc gia về DLX.
Xây dựng và đưa vào áp dụng bộ tiêu chí xanh
Bộ tiêu chí này áp dụng cho hoạt động của DN lữ hành, điểm đến và hệ thống nhà hàng trên phạm vi toàn quốc sẽ tạo nên sự thống nhất và toàn diện hành động phát triển DLX đạt kết quả đúng như mục tiêu đề ra trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thu hút đầu tư vào phát triển DLX
Cần có các cơ chế khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước phát triển các dự án xanh, tổ hợp DLX như khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhà hàng tạo nhiều sản phẩm xanh độc đáo như mô hình Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), Happy Land Mộc Châu (Sơn La), Vinpearl, Nha Trang, Phú Quốc… đang rất thành công.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá sản phẩm DLX Việt Nam
Thúc đẩy xúc tiến và quảng bá du lịch một cách chuyên nghiệp hơn, lồng ghép đưa sản phẩm DLX, hình ảnh Việt Nam thân thiện với môi trường đến những thị trường quen thuộc và tiềm năng, kết hợp truyền thông quảng bá trên những kênh truyền hình lớn của thế giới.
Đối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA)
Tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa DN lữ hành, dịch vụ du lịch ở các địa phương; kịp thời có các khuyến nghị, hướng dẫn cụ thể tới DN khi triển khai thực hiện DLX. Bên cạnh đó, VITA kịp thời động viên, tôn vinh những đóng góp tích cực của DN trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, phát triển DLX…
VITA tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về DLX, đánh giá, tư vấn, thẩm định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ chất lượng dịch vụ cho DN và lao động về DLX.
Đưa ra các biện pháp hỗ trợ các DN nhằm đạt được mục tiêu phát triển DLX như xác định thị trường, hỗ trợ xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của từng doanh nghiệp; thực hiện các khảo sát nghiên cứu về khách hàng; cung cấp những thông tin, quan điểm về phát triển du lịch bền vững cho các DN cũng như đối với cộng đồng dân cư…; tăng cường giám sát việc thực hiện quy định của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động ảnh hưởng đến phát triển DLX, hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường. Tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu kinh nghiệm về mô hình phát triển DLX của các nước, chia sẻ và học hỏi cách thức, áp dụng những bài học phù hợp vào thực tiễn ở Việt Nam.
Đối với DN du lịch
Đối với DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo cung cấp cho khách hàng sản phẩm DLX là định hướng cho mọi hoạt động, để đạt được mục tiêu và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Các DN du lịch cần xây dựng chuỗi cung ứng xanh nhằm liên kết chặt chẽ, tạo sản phẩm xanh cung cấp tới khách hàng. Chuỗi giá trị nông sản sạch từ nông trang tới bàn ăn của nhà hàng là mô hình đang rất hấp dẫn thực khách. Sản phẩm do liên minh lữ hành - nhà hàng - nhà nông cung cấp sẽ có sức hút đối với du khách và sẽ phát triển bền vững cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 14001-2015 dành cho doanh nghiệp lữ hành nhằm xây dựng và áp dụng các tiêu chí về môi trường bao gồm: (1) giảm khí thải nhà kính thông qua tiết kiệm năng lượng, hệ thống chiếu sáng thông minh; (2) giảm rác thải, sử dụng thiết bị văn phòng bằng gỗ, tre, lục bình thay thế đồ nhựa; (3) nên ưu tiên mua các thiết bị bảo vệ môi trường như thiết bị văn phòng như máy phô tô, máy in...; (4) khích lệ các sáng kiến xanh trong doanh nghiệp; (5) xúc tiến và quảng bá sản phẩm du lịch xanh tới khách hàng.
Nhân lực trong ngành Du lịch nói chung đóng vai trò quyết định tới thành công của hoạt động du lịch. Đặc biệt, trong DLX càng đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Trong đó, đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) đóng vai trò quan trọng tạo nên thành công của hoạt động du lịch nói chung và DLX nói riêng. HDV sẽ là sứ giả môi trường, hướng dẫn khách du lịch về các hành vi bảo vệ môi trường trong quá trình tham gia chương trình du lịch. HDV phải có trách nhiệm giới thiệu các quy định về hành vi gây ô nhiễm môi trường khi dẫn khách, tuân thủ luật pháp, nâng cao ý thức cho du khách về môi trường DLX và phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
1.Tạp chí Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam (2020), Phát triển du lịch xanh tại Việt Nam http://vtr.org.vn/phat-trien-du-lich-xanh-viet-nam.html.(truy cập 3/7/2020)
2.Andriela Vitić-Ćetkovi et al (2012), Determinants of Montenegro and Serbia TourismCompetitiveness Improving in the Terms of Globalisation, http://www.eknfak.ni.ac.rs/Ekonomske-teme/et2012-1en.pdf#page=53 (truy cập 22/3/2018)
3.Chiến Thắng (2019), Nghiên cứu trao đổi về du lịch xanh tại Việt Nam hiện nay: Bài học kinh nghiệm của Thái Lan và triển vọng trong tương lai http://itdr.org.vn/nghien_cuu/nghien-cuu-trao-doi-ve-du-lich-xanh-tai-viet-nam-hien-nay-bai-hoc-kinh-nghiem-cua-thai-lan-va-trien-vong-trong-tuong-lai/ (truy cập 31/12/2019)…
Nguyễn Đình Thanh
Khoa Du lịch, Trường Đại học Phenikaa