
Việt Bắc được đánh giá là khu vực có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội gắn liền với các đặc trưng di sản văn hóa của vùng, bên cạnh di sản văn hóa thiểu số Tây Bắc gắn với các dân tộc Thái, Mường. Đặc trưng đầu tiên phải kể đến là bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Bắc như Tày, Nùng, Mông, Dao… được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, kiến trúc, chợ phiên… và các di tích lịch sử văn hóakhác trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng. Các dân tộc ở đây đều giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng có của mình; tạo nên bản sắc độc đáo có sức thu hút với khách du lịch; là điều kiện cho các hoạt động du lịch phát triển.
Một đặc trưng khác của vùng Việt Bắc là hệ thống di tích lịch sử cách mạng gắn với giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1941 – 1954), có nhiều giá trị mang tính lịch sử, văn hóa, giáo dục và tâm linh. Những khu ATK Tân Trào, Định Hóa, Chợ Đồn hay các di tích lịch sử như Đông Khê, Thất Khê, Phay Khắt, Nà Ngần… đều là những bảo tàng sinh động, mang ý nghĩa tri ân, giáo dục cao cả cho mọi tầng lớp nhân dân. Hơn nữa, những di tích lịch sử cách mạng ở Việt Bắc đều có mối liên hệ hữu cơ với di tích lịch sử cách mạng khu vực Tây Bắc mà điển hình là quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo nên chuỗi giá trị di sản Việt Bắc – Tây Bắc phục vụ phát triển du lịch lịch sử - văn hóa cho toàn vùng.

Trên thực tế, các tỉnh Việt Bắc đã xác định vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của di sản văn hóa đối với phát triển du lịch vùng Việt Bắc; xây dựng các tuyến điểm du lịch; chú trọng trùng tu, tôn tạo di tích ; khôi phục một số lễ hội dân gian và khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề, làng văn hóa du lịch đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các di sản văn hóa vẫn chưa thật sự tạo ra sức hút đối với du khách; hoạt động du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; doanh thu từ du lịch chiếm tỷ trọng thấp trong kinh tế của từng tỉnh.
Tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc”trong khuôn khổ chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 6 tại Thái Nguyên 2014, tham luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đề xuấtcác giải pháp phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa Việt Bắc trong phát triển du lịch, gồm: tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử gắn với các đặc trưng văn hóa Việt Bắc bên cạnh bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc để tạo nên sản phẩm du lịch tổng hợp, hấp dẫn mang tính khác biệt, tạo thương hiệu du lịch cho vùng; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, phát triển thủ công truyền thống gắn với các làng nghề, các đặc sản để thu hút khách và nâng cao nguồn thu; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ; phát triển và mở rộng thị trường gắn với việc quảng bá hình ảnh du lịch và văn hóa Việt Bắc; tăng cường công tác liên kết các tỉnh trong vùng cũng như với tiểu vùng Tây Bắc; nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về lợi ích phát triển du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên, đặc biệt là hệ thống di sản văn hóa Việt Bắc.
Về phát triển loại hình và sản phẩm du lịch vùng Việt Bắc, từ đặc điểm nổi trội của nguồn tài nguyên văn hóa – lịch sử, loại hình du lịch văn hóa sẽ giữ vị trí quan trọng; trong đó có du lịch tham quan nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá; du lịch văn hóa lễ hội, sự kiện lịch sử; du lịch về nguồn, giáo dục và tri ân; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh…; cùng với đó đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái để đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng và góp phần nâng cao giá trị du lịch văn hóa lịch sử; phát triển du lịch thương mại, công vụ, du lịch biên giới…/

PV