Từ năm 2007 đến nay, các nhà khoa học đã tiến hành 3 đợt khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại khu di tích thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) kết hợp nguồn sử liệu thành văn đã làm sáng tỏ về lũy, hào của cư dân giai đoạn Đông Sơn ở Cổ Loa, giai đoạn đắp thành thời An Dương Vương và các lần đắp thêm ở hai vòng thành Trung, thành Ngoại vào giai đoạn lịch sử mà cụ thể một trong những lần đó thuộc đời Vua Lê Trung Hưng.
Trao đổi ý kiến tại cuộc tọa đàm, các nhà khoa học, các chuyên gia đánh giá cao những kết quả nghiên cứu từ năm 2007 đến nay tại khu di tích Cổ Loa, là thành cổ nhất, sớm nhất được nghiên cứu, đã thu được những thành tựu rất lớn, tiêu biểu như tìm thấy lò đúc mũi tên đồng gắn với chuyện nỏ thần, bước đầu khám phá về kỹ thuật đắp thành thành, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ để xác định được niên đại các vòng thành, tạo độ tin cậy cao. Qua kết quả nghiên cứu, đặt ra cho các nhà khoa học nhiều vấn đề cần quan tâm, tiếp tục nghiên cứu.
Các đại biểu cũng nêu lên những đề xuất, kiến nghị trong việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị của di tích Cổ Loa cũng như lựa chọn một khu tiêu biểu, đặc trưng nhất của thành Cổ Loa (3 vòng thành, hào, hỏa hồi, giếng Ngọc, đền thờ An Dương Vương…) để có thể nghiên cứu, phục hồi và trên cơ sở khoa học, giúp du khách trong và ngoài nước có thể nhận diện toàn bộ khu di tích; cần có giải pháp bảo vệ khu vực mới khai quật từ năm 2007 đến nay; nghiên cứu, xây dựng đề ra các giải pháp trưng bày, giới thiệu kết quả nghiên cứu, khảo sát về thành – hào - hỏa hồi… phục vụ các đối tượng khách tham quan; cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát những dấu tích gắn liền với vua Ngô Quyền đã có gần 10 năm chọn thành Cổ Loa làm trị sở của mình…
Bích Vân