Hội thảo nhằm cập nhật thông tin về tổn thất và thiệt hại trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của các bên liên quan về rủi ro tài chính trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tìm hiểu các xu hướng, công cụ quản lý rủi ro tài chính trong bối cảnh biến đổi khí hậu; chia sẻ các phương pháp, cách tiếp cận và những kinh nghiệm về tính toán tổn thất và thiệt hại cho một số lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp và quản lý tài nguyên nước; phân tích hệ thống chính sách hiện hành của Việt Nam về biến đổi khí hậu gắn với tổn thất và thiệt hại do thiên tai.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Để góp phần chủ động trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong tình hình khí hậu cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có những phương pháp, công cụ đánh giá, tính toán về tổn thất và thiệt hại gắn với biến đổi khí hậu, bao gồm xác định những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, thiệt hại kinh tế, phi kinh tế, di dân tái định cư, các tổn thất vĩnh viễn, phục hồi, bảo hiểm, mạng lưới an sinh xã hội và đền bù thiệt hại.
Tại hội thảo, đại diện Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đã trình bày Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam và những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện Thỏa thuận Paris.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư hỗ trợ nâng cao tính chống chịu với biến đổi khí hậu; thu thập số liệu và phương pháp hỗ trợ quản lý rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và các giải pháp để theo dõi tổn thất và thiệt hại lâu dài; phương pháp phân tích điểm mạnh, yếu (SWOT) để thu thập số liệu, hỗ trợ quản lý rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu cho ngành Nông nghiệp Việt Nam; phân tích tổn thất về tài chính; các giải pháp để nâng cao quản lý rủi ro tài chính có liên quan đến khí hậu; và các giải pháp huy động khối tư nhân tham gia (bảo hiểm khí hậu, đầu tư công nghệ...).
PV