Hoạt động du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai
Trong giai đoạn 2010 - 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình về số lượt khách đạt 23,87%, đây là mức tăng trưởng cao so với các khu, điểm du lịch trên địa bàn (trong đó, tăng trưởng trung bình về số lượt khách quốc tế đạt 4,42%, khách du lịch nội địa đạt 0,70%); tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch có lưu trú đạt 2,20%; tốc độ tăng trưởng trung bình khách tham quan là 0,545%. Đến năm 2017, khu bảo tồn có trên 18 ngàn lượt khách đến tham quan.
Khách quốc tế đến khu bảo tồn đa số là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở các viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học. Khách du lịch nội địa có tính đa dạng cao hơn, với số lượng khách là học sinh sinh viên chiếm ưu thế vào dịp hè, ngày lễ; khách du lịch là cán bộ công nhân viên các nhà máy, khu công nghiệp, cựu chiến binh có xu hướng tăng nhanh vào mùa khô; khách là cộng đồng dân cư trong địa bàn tỉnh tăng vào dịp lễ hội, tết.
Tốc độ tăng trưởng trung bình về mức chi tiêu đối với khách quốc tế là 13,29%, đối với khách du lịch nội địa là 0,70%, mức chi tiêu của khách quốc tế tăng nhanh hơn khách du lịch nội địa.
Tốc độ tăng trưởng trung bình về doanh thu từ khách du lịch đạt 1,7%, trong đó khách quốc tế là 26%, khách nội địa là 3% và khách tham quan là 1,1%.
Về cơ sở lưu trú, có nhà khách với 34 buồng và cơ sở lưu trú nghỉ tại nhà dân (homestay) tập trung ở Phú Lý và Hiếu Liêm. Tốc độ tăng trưởng trung bình cơ sở lưu trú giai đoạn 2010 - 2017 đạt 26,3%; giá thuê phòng từ 150 - 300.000 đồng/buồng/đêm/khách, chênh lệch giữa khách quốc tế và nội địa không đáng kể…
Một số sản phẩm du lịch tại khu bảo tồn đã và đang thu hút khách du lịch là: du lịch sinh thái gắn với các chương trình tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về đa dạng sinh học rừng; du lịch văn hóa với các chương trình tham quan tại các di tích lịch sử cách mạng; du lịch cộng đồng gắn liền với sinh thái miệt vườn tham quan vườn cam, quýt, xoài tại Hiếu Liêm và Phú Lý; du lịch làng nghề nuôi hươu, nai tại Hiếu Liêm, rượu Phú Lý với việc trao đổi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển nghề và chế biến các sản phẩm bán cho du khách; du lịch văn hóa gắn liền với văn hóa cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch phượt và vui chơi giải trí trên đảo, hồ Trị An; du lịch cắm trại; ẩm thực gắn liền với đặc sản rau rừng, cá nước ngọt và món ăn truyền thống địa phương trong vùng.
Về các tuyến du lịch, chương trình tham quan di tích lịch sử như Khu miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Trung ương Cục, nhà máy điện Trị An chiếm một số lượng lớn khách tham quan trong ngày thời gian qua; đa số khách là các tổ chức đoàn thể, học sinh sinh viên, các cựu chiến binh… Ngoài ra, còn có chương trình du lịch gắn liền với tổ chức sự kiện, cắm trại cho các tổ chức đoàn thể, học sinh sinh viên trong các ngày lễ hoặc nghỉ hè; chương trình du lịch cuối tuần cho cộng đồng dân cư, cán bộ tại các thành phố lân cận.
Bên cạnh nhiều kết quả đạt được trong giai đoạn 2010 - 2017, hoạt động du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế nhất định như: tốc độ tăng trưởng về khách du lịch tương đối cao hơn so với các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng còn thấp hơn so với các khu bảo tồn, vườn quốc gia khác trong nước; thị trường du lịch chưa ổn định, chưa xác định thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế; các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu du lịch, đặc biệt là dịch vụ vui chơi giải trí...
Một số giải pháp
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển du lịch
UBND tỉnh cần thống nhất đề xuất về cơ chế chính sách cho đầu tư và kinh doanh du lịch, xem xét nếu có thể ban hành cơ chế chính sách đầu tư riêng cho khu bảo tồn dựa trên cơ sở khung chính sách chung và những ưu tiên đối với điểm du lịch quốc gia. Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế ưu đãi đối với các nhà đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, phát triển khai thác đảo trên hồ Trị An cho mục tiêu phát triển du lịch và kết hợp bảo tồn... Bên cạnh đó, cần công bố rộng rãi những chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào khu bảo tồn, như: hỗ trợ cho các nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng ven hồ và trên các đảo hồ Trị An, hồ Bà Hảo, hồ vườn ươm; đầu tư về xử lý chất thải, rác thải tập trung; đầu tư về bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái tại Trung tâm cứu hộ động vật, vườn ươm; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức xúc tiến du lịch, tham gia hội chợ, triển lãm, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nếu đầu tư vào phát triển du lịch trong khu bảo tồn.
Đầu tư phát triển khu du lịch
Để giải quyết được nhu cầu đầu tư lớn, đảm bảo sự phát triển du lịch cần xem xét một số giải pháp lớn về vốn sau: xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, đặc biệt chú trọng các nhà đầu tư chiến lược đối với các dự án nghỉ dưỡng chất lượng cao; bố trí ngân sách nhà nước cho đầu tư hạ tầng khu du lịch đặc biệt là khu vực hồ, đảo trên hồ, di tích lịch sử; lồng ghép các chương trình, các dự án của các ngành liên quan với phát triển du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư du lịch, đặc biệt đầu tư phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng…
Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ
Tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ du lịch theo định kỳ hàng năm, trong đó chú trọng đào tạo về nghiệp vụ lễ tân, buồng, bar, bếp cho đội ngũ nhân viên trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh du lịch; đối với cán bộ đảm nhận thị trường, xúc tiến và lữ hành cần có lựa chọn đặc biệt, ưu tiên những lao động có trình độ tay nghề, có kinh nghiệm, có trình độ ngoại ngữ, được đào tạo nghiệp vụ cơ bản tại các khoa du lịch của các trường đại học kinh tế hệ chính quy.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực là cộng đồng dân cư trong khu du lịch cả về nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, vấn đề vệ sinh môi trường trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày tạo ra môi trường sinh thái hấp dẫn khách du lịch.
Tăng cường công tác ứng dụng khoa học và công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động du lịch, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thống kê du lịch, thông tin trao đổi, xúc tiến quảng bá tại khu bảo tồn. Khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ xanh thân thiện với môi trường trong sản phẩm du lịch cũng như xây dựng các công trình du lịch.
Phát triển sản phẩm du lịch
Những tiềm năng và lợi thế của khu bảo tồn về tài nguyên sinh thái rừng; tài nguyên sinh thái, cảnh quan hồ Trị An; di tích lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc Chơro và ẩm thực… là cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng phong phú với chất lượng cao gắn liền với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan cảnh quan, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi giải trí…
Phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với sinh thái miệt vườn các cây ăn quả tại các khu vực ven sông Bé, Hiếu Liêm, nhà vườn tại Phú Lý… và triển khai mô hình homestay.
Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với loại hình du lịch gắn liền với tiềm năng, cảnh quan tại các khu rừng tự nhiên như: chương trình du lịch xuyên rừng già, ngắm thú ban đêm, quan sát cây cổ thụ trong rừng…
Phát triển sản phẩm du lịch đảo trên hồ trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn liền với cây hoa quả bản địa, dịch vụ vui chơi giải trí.
Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cuối tuần để thu hút khách du lịch đi nghỉ ngắn ngày, có thể lựa chọn các sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch trăng mật…
Bảo vệ môi trường
Cần xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường; các dự án tham gia tại khu bảo tồn cần phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được giám sát môi trường.
Phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn, đây là biện pháp đề phòng hiện tượng ô nhiễm đối với khu du lịch, trong đó chú trọng chất thải, nước thải của các cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng dân cư dọc sông.
Thực hiện giải pháp kỹ thuật môi trường cho các dự án quy hoạch: xây dựng các công trình kỹ thuật về thu gom, xử lý cho từng khu vực phát triển du lịch như trung tâm du lịch, khu vực hồ Bà Hào, các đảo và điểm tham quan; khuyến khích các dự án áp dụng các phương pháp, công nghệ ít tác động đến môi trường trong quá trình triển khai dự án. Phương án này nhằm phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn trong quá trình thi công hoặc vận hành của dự án sau này.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất có chất thải. Khuyến khích các tổ chức cá nhân thực hiện tốt trong việc bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch; liên kết phát triển du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng… trong quá trình phát triển du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
TS. Võ Quế - ThS. Bùi Thị Trang
Tạp chí Du lịch 6/2018