Phát triển du lịch nông thôn
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Quảng Phúc Bùi Ngọc Tam cho biết, thời gian qua, Quảng Phúc đã đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển mô hình homestay; kết hợp phát huy các nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống của người dân Quảng Phúc. Địa phương lựa chọn các hộ dân còn lưu giữ nhà gỗ truyền thống có không gian thoáng đảng, tầm nhìn đẹp... để hình thành các điểm tưu trú tại nhà dân phục vụ cho du khách. Xã cũng tổ chức liên kết các tour, tuyến du lịch đến với địa phương thông qua việc quảng bá trên các hệ thống thông tin đại chúng và Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Thanh Hoá. “Thay vì ở khách sạn hoặc các nhà nghỉ, khách du lịch sẽ lưu trú ngay tại nhà của dân địa phương để được gần gũi hơn và trải nghiệm thực tế cách sống người dân bản địa. Khách được xem như một thành viên của gia đình, sẽ tham gia vào các sinh hoạt đời thường như ăn cơm chung, trò chuyện trao đổi với các thành viên trong gia đình. Thông qua đó, du khách sẽ biết thêm những phong tục, tập quán của người dân Quảng Phúc, đồng thời cũng là dịp đưa bản sắc văn hoá của người dân Quảng Phúc với cộng đồng trong nước và quốc tế” – ông Bùi Ngọc Tam chia sẻ.
Bên cạnh việc định hướng người dân xây dựng các homestay, Quảng Phúc còn định hướng người dân khôi phục nghề dệt chiếu thủ công truyền thống và phát triển các nghề đan võng, đan mẹt, giỏ xách, đan thảm cùng nhiều sản phẩm khác thông qua việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ là cói, đay, tre...; khôi phục nghề đánh bắt thuỷ, hải sản thủ công, nghề làm mắm cáy, rươi, tôm, tép... Quảng Phúc cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ các nghệ nhân xây dựng các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm truyền thống độc đáo nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách. Cùng với đó là phục dựng lễ hội đánh cờ người tại di tích Nghè Ngọc Nhị và các ngày lễ tế thần tại các di tích, các các hội đua thuyền, bơi lặn…; phát triển du lịch nông thôn gắn với ckhai thác các sản phẩm nông nghiệp theo mùa như rươi, nha, rạm, cáy, cá, ốc, cua, lươn, chạch, cây cói, lúa hữu cơ... “Đặc biệt là hình thành các điểm du lịch tham quan cảnh quan thiên nhiên để du khách chụp hình và in sao lên các sản phẩm như đĩa, tranh ảnh….để làm quà cho du khách” - ông Bùi Ngọc Tam nhấn mạnh.
Thực hiện nhiều giải pháp
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết, trong thời gian thực hiện Đề án, Quảng Phúc sẽ tập trung công tác quảng bá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tạo điểm nhấn để giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch; từ đó kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào đầu tư tại địa phương. Về quy hoạch, Quảng Phúc sẽ tổ chức lựa chọn, vận dụng và đưa vào thực hiện các dự án để phát triển làng nghề truyền thống, lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ và các giá trị văn hoá vùng miền thuận lợi cho việc thiết lập các tuyến du lịch; khuyến khích xây dựng các công trình phục vụ lưu trú cho khách du lịch như nhà sàn, nhà gỗ truyền thống, các mô hình sản xuất gắn với nông nghiệp nông thôn làng quê để tạo ra điểm tham quan hấp dẫn cho khách du lịch.
Quảng Phúc sẽ huy động các nguồn lực từ huyện; tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương; thu hút nguồn vốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thương mại. Đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy giao lưu hàng hoá, xây dựng, phát triển các tuyến du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống tạo sản phẩm riêng biệt của địa phương thu hút khách du lịch. Trước mắt là chỉnh trang, nâng cấp Trung tâm Văn hóa thông tin xã, vừa là nơi lưu trữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá, đồng thời là nơi trưng bày sản phẩm hàng hoá làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, hàng hoá nông sản, sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù của địa phương để kết nối và quảng bá các loại sản phẩm đến khách du lịch.
Nâng cấp và mở rộng các tuyến giao đến các điểm du lịch, các hộ dân khai thác lưu trú; định hướng thành lập dịch vụ tư vấn, hướng dẫn du lịch mà lực lượng nòng cốt là người dân địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ tiện ích; xây dựng chương trình ẩm thực đặc sắc, chương trình văn nghệ đặc trưng phục vụ khách du lịch. Kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm đặc thù như du lịch kết hợp với tìm hiểu lịch sử, truyền thống; du lịch kết hợp với tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, sinh hoạt văn hoá, lễ hội; xây dựng các chương trình khai thác nghệ thuật hát bội, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, tái hiện các nghi lễ truyền thống để phục vụ và thu hút du khách. Đặc biệt là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến quảng bá; tăng cường bảo vệ môi trường du lịch cũng như các hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo cho du lịch địa phương phát triển bền vững.
“Quảng Phúc sẽ xây dựng nội dung đối với từng loại hình du lịch để thuyết minh, hướng dẫn ở các điểm tham quan theo chủ đề; phát hành các tờ gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch, thông tin trên website của trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Thanh Hoá, chủ động và tham gia các hội chợ, hội thảo, các lễ hội du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương” – ông Bùi Ngọc Tam cho hay.
Thanh Minh