Du lịch MICE mang tính đặc thù rõ rệt bởi quy mô tổ chức lớn, cũng như thường phục vụ dòng khách có khả năng chi trả cao với nhiều yêu cầu khá khắt khe về hạ tầng, dịch vụ trong quá trình tổ chức. Dựa trên lợi thế có sẵn của điểm đến (di sản văn hóa, và tự nhiên, lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, con người thân thiện...) và xu thế phát triển của thị trường du lịch, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ du lịch MICE trở thành sản phẩm du lịch cốt lõi theo hướng phát triển Việt Nam trở thành trung tâm của các sự kiện quốc tế (hội nghị, hội thảo, thể thao, văn hóa) kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng.
Với tiềm năng lớn trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có khả năng thu hút đông đảo đối tượng khách, nhất là đối tượng khách “khó tính” như khách du lịch công vụ để kết hợp với phát triển du lịch MICE của Việt Nam, bài viết đưa ra một số ý tưởng nhằm phát triển du lịch MICE gắn với trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa một cách bài bản, hướng tới bền vững.
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về du lịch và văn hóa; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch MICE và các cơ quan đoàn thể, tổ chức phát huy, bảo tồn, phục dựng những lễ hội, nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của Việt Nam; các cộng đồng dân cư… về phát triển du lịch MICE nói chung và du lịch MICE gắn với trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa nói riêng.
Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về du lịch và văn hóa nhận thức trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng kế hoạch cụ thể để liên kết, kết hợp giữa du lịch MICE và trải nghiệm văn hóa cho phát triển loại hình du lịch kết hợp này; ban hành các chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch MICE gắn với trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần nghiên cứu thị trường khách du lịch tiềm năng để xây dựng ra các chương trình, sản phẩm kích cầu loại hình du lịch kết hợp, đánh trúng thị hiếu thị trường. Song song đó là luôn nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có sự liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch MICE gắn với trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa trọn gói, hấp dẫn. Ví dụ, tìm hiểu tôn giáo, tín ngưỡng của thị trường khách du lịch công vụ để truyền tải hình ảnh Việt Nam thân thiện với đạo Phật khi hướng đến các đất nước Phật giáo (về cả phong tục tập quán và ẩm thực); chào bán các chương trình du lịch MICE gắn với các lễ hội tâm linh nổi tiếng; hay có thể lồng ghép biểu diễn quan họ, hát then… một cách phù hợp vào thời gian nghỉ giữa giờ tại sự kiện, hội thảo, hội nghị...
Nhận thức của cộng đồng dân cư có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch MICE gắn với trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa, là một thành phần cốt lõi tạo nên chất lượng sản phẩm điểm đến bởi nhân tố cộng đồng luôn là nền tảng, là cái “hồn” của văn hóa. Thông qua cách ứng xử văn hóa, thái độ thân thiện và mến khách, cộng đồng dân cư thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch MICE mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Thứ hai, chính quyền - doanh nghiệp - cộng đồng cần chung tay dựa trên những điều kiện cụ thể của mình, các điều kiện tiềm năng, thế mạnh, và cả những yếu tố hạn chế, cản trở để xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng (phần cứng); nguồn nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu, xây dựng tạo ra sản phẩm đặc thù (phần mềm) của loại hình du lịch kết hợp này, từ đó có kế hoạch đồng bộ trong truyền tải đến khách hàng thông điệp nhất quán, hình ảnh đặc trưng kết hợp với hoạt động quảng bá, xúc tiến bán phù hợp. Ví dụ, nhắc đến Hawaii (Mỹ), người ta nghĩ ngay đến hình ảnh các cô gái da nâu khỏe mạnh với những vòng hoa trên đầu và quanh cổ… mang đậm nét truyền thống thổ dân, và vì thế khi khách du lịch MICE đến Hawaii thường trải nghiệm 1 lần làm thổ dân, chụp ảnh, nhảy múa, giao lưu với thổ dân...
Thứ ba, phát triển du lịch MICE gắn với trải nghiệm các sản phẩm du lịch văn hóa phải tương quan hài hòa với việc phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch MICE nói riêng và các loại hình, sản phẩm du lịch khác tại Việt Nam nói chung. Đặc biệt, cần nghiên cứu một số điển hình phát triển du lịch MICE trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đồng thời, không ngừng liên kết, phối hợp với các địa phương khác trong việc nghiên cứu, phân khúc thị trường khách (Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...) hướng tới phát triển từng du lịch MICE nói chung và loại hình kết hợp phát triển du lịch MICE với trải nghiệm các sản phẩm du lịch văn nhóa từng địa phương trong tổng thể mục tiêu phát triển chung của cả nước.
Jinnee