
Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thủ đô Hà Nội, Thanh Oai được biết đến là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc với 51 làng nghề như: nón lá làng Chuông ở Phương Trung (đã được công nhận là làng điển hình của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ); làng điêu khắc ở Võ Lăng (xã Dân Hòa), Dư Dụ (xã Thanh Thùy); làng quạt Vác; làng tương Cự Đà; làng giò chả Ước Lễ… Ngoài ra, rải rác khắp huyện là nghề mây tre đan, sản xuất nông lâm sản, kim khí… Hàng năm, cứ vào ngày mùng 10/1 âm lịch, làng nón Phương Trung lại khai hội chợ Chuông. Hội chợ thu hút rất nhiều khách du lịch, đây cũng là dịp làng Chuông quảng bá sản phẩm và những nét đẹp văn hóa của một làng nghề truyền thống lâu đời.

Vùng đất Thanh Oai luôn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những nét riêng rất độc đáo. Đến nay, Thanh Oai có 266 di tích, trong đó có 147 di tích đã được xếp hạng cùng với các lễ hội truyền thống phong phú và độc đáo, lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, huyện còn có các khu du lịch sinh thái 12 con giáp – xã Cao Dương; khu đầm Thanh Cao – Cao Viên với diện tích 30 ha cùng không gian thoáng đãng; Vườn cây ăn quả của 7 xã ven sông Đáy...

Với sự khéo léo và kinh nghiệm được kế thừa, nhiều nghệ nhân Thanh Oai đã tìm ra hướng đi mới để những nghề truyền thống được tồn tại và phát triển, nâng cao vị thế của sản phẩm làng nghề. Không chỉ gìn giữ được vốn nghề truyền thống của địa phương, mà hiện nay Thanh Oai còn có thêm nhiều nghề mới như may công nghiệp, chẻ tăm hương, dệt len, mây giang đan,… tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Sau khi khảo sát tại các điểm đến huyện Thanh Oai bao gồm Đền Nội – Bình Minh, làng Chuông nón lá Phương Trung và làng nghề điêu khắc Thanh Thùy hơn 30 doanh nghiệp lữ hành và phóng viên báo chí đều nhận định rằng huyện Thanh Oai có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch làng nghề. Với lợi thế của Thanh Oai là cửa ngõ Hà Nội nên phương tiện giao thông thuận lợi, có thể liên kết với các tuyến điểm du lịch khác.

Tuy nhiên, để Thanh Oai là điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách thì cần phải có các giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện. Nhiều ý kiến của chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng: các làng quê đang dần bị đô thị hóa, không làm nổi bật được không gian làng quê thanh bình; môi trường cảnh quan chưa đảm bảo cho du khách; bổ sung cơ sở vật chất dịch vụ như khu tổng hợp các sản phẩm làng nghề để tiện cho du khách tham quan và mua sắm; bổ sung thêm bảng, biển chỉ dẫn vào các điểm di tích, làng nghề…
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền huyện Thanh Oai thống nhất nội dung để phát triển du lịch huyện trong thời gian tới, đầu tiên sẽ là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cán bộ địa phương và các hộ dân làng nghề, xây dựng chuẩn hóa thuyết minh về các điểm đến du lịch, lắp đặt thêm bảng biển chỉ dẫn mà trên đó có mã QR nhằm áp dụng công nghệ 4.0 vào du lịch.
Thu Thảo