(VTR) - Với vị trí thuận lợi là điểm cực Bắc của tổ quốc, là nơi giao thoa văn hóa hai vùng Đông Bắc - Tây Bắc, đồng thời là điểm chung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Hà Giang từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Hà Giang lại hấp dẫn du khách bởi sự phong phú và hấp dẫn của nguồn tài nguyên du lịch. Là vùng đất có lịch sử văn hoá nhân văn lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… Cùng với đó là nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng quốc gia. Sự phức tạp về địa hình đã khiến Hà Giang có vẻ đẹp hùng vĩ không nơi nào sánh được.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2002 – 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định tài nguyên là tiền đề, điều kiện để phát triển du lịch, trong đó tài nguyên về văn hoá nhân văn là yếu tố quan trọng để cấu thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có giá trị khai thác cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng địa phương. Du lịch Hà Giang đã đạt được những thành tựu đột phá trên một số chỉ tiêu cơ bản như: năm 2012 lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm 2012 đạt 417.808 lượt người, tăng 26,6% so với năm 2011 và tăng 19,3% so với kế hoạch năm. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 327 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ, khu điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp là một tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội nhìn chung còn khó khăn, ngành Du lịch Hà Giang mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển nên sự đầu tư vào du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa xứng tầm với thương hiệu du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Hiện nay ngành Du lịch Hà Giang đang nỗ lực trong việc triển khai thực hiện chương trình với các nội dung chi tiết theo kế hoạch và lộ trình đến năm 2020 cụ thể như: phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh khi giao tiếp với du khách; đẩy mạnh xây dựng các Làng văn hóa du lịch tiêu biểu; Khôi phục, bảo tồn và phát huy có trọng điểm các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc phục vụ du lịch; đầu tư khôi phục và duy trì một số làng nghề thủ công truyền thống; bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa, mua bán chợ phiên vùng cao; phát huy hiệu quả của các di tích lịch sử văn hóa trọng điểm, trở thành điểm nhấn trong hoạt động khai thác du lịch; bảo tồn di sản địa chất trên cao nguyên đá Đồng Văn, tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn trong khai thác loại hình du lịch địa chất; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái gắn với các hoạt động khám phá, trải nghiệm; đẩy mạnh loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng…
Làm tốt những việc nêu trên, chắc chắn chương trình phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 – 2020 của Tỉnh sẽ đạt các mục tiêu đề ra và là bước đột phá mới trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với du lịch, lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy du lịch để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, bảo đảm phát triển một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bẳn sắc dân tộc gắn với việc khai thác du lịch một cách bền vững./.
Triệu Thị Tình
PGĐ Sở VHTTDL Hà Giang