Thiên nhiên ưu đãi đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo được các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao với kiểu rừng chính là: kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với 4 hệ sinh thái: hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát hạn ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Côn Đảo có 1.077 loài thực vật bậc cao có mạch và 160 loài động vật, trong đó, 44 loài thực vật được phát hiện đầu tiên ở Côn Đảo, có 11 loài thực vật mang tên Côn Sơn. Các đảo thuộc quần đảo Côn Đảo sở hữu nhiều loài thực vật quý hiếm như: lát hoa, găng néo, quăng lông… Ngoài ra, Côn Đảo còn nổi tiếng với 4 loài động vật đặc hữu là: sóc đen Côn Đảo, thạch sùng Côn Đảo, khỉ đuôi dài Côn Đảo, rắn khiếm Côn Đảo…
Về đa dạng sinh học biển, Côn Đảo có các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới là hệ sinh thái rừng ngập mặn với diện tích khoảng 30ha, hệ sinh thái thảm cỏ biển với diện tích gần 1.000ha và hệ sinh thái rạn san hô với diện tích gần 2.000ha. Côn Đảo cũng là nơi duy nhất Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển (dugong) có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý. Những rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia về bảo tồn thiên nhiên biển ở Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi có lượng rùa biển lớn về sinh đẻ hàng năm với khoảng 300-400 cá thể rùa mẹ.
Với tiềm năng đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Côn Đảo được ngân hàng thế giới đưa vào danh sách các vùng ưu tiên cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu. Năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới và khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam.
Để Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc sắc tầm cỡ quốc tế
Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 417/QĐ-TTg vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045.
Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,78km2, diện tích mặt biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo khoảng 140,00km2 và vùng biển xung quanh các đảo (diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, đảm bảo thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và phạm vi bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo). Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Quyết định đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.
Đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển dân cư, du lịch với các yêu cầu về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa lịch sử, gắn với các khu đô thị xanh, thông minh.
Về dự báo phát triển sơ bộ: Dự kiến quy mô dân số tối đa đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 người; đến năm 2045 đạt khoảng 25.000 người (chưa bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch).
Côn Đảo có quỹ đất hạn chế, do đó, quy mô đất đai để xây dựng, phát triển khu dân cư và du lịch cần được cân nhắc để khai thác sử dụng hiệu quả. Quy mô dân số, đất đai và khách du lịch cần được dự báo trên cơ sở đánh giá quỹ đất, điều kiện hạ tầng kỹ thuật và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Côn Đảo. (Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số, khách du lịch và đất đai xây dựng theo từng giai đoạn được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch).
Để đạt được mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ các yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung gồm: rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt. Phân tích và đánh giá các nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đã được phê duyệt năm 2011 trên cơ sở tình hình, thực tiễn phát triển dân cư, du lịch tại Côn Đảo; rà soát các dự án, quy hoạch trên địa bàn đã được lập và phê duyệt; định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và xã hội với xu hướng phát triển thực tế hiện nay.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất cấu trúc dân cư - du lịch, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh định hướng phát triển không gian, tổ chức hệ thống trung tâm, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật tại Côn Đảo phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, bảo vệ di tích và môi trường sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị để quản lý phát triển theo quy hoạch.
Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch, phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện. Lựa chọn các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Côn Đảo.
Cùng với đó, thống nhất về dữ liệu, dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên quan với Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.
Thao Lan