Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cùng đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề đang được quan tâm về phát triển du lịch - dịch vụ xanh; chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình du lịch xanh trên thế giới, tại Việt Nam và tỉnh Quảng Nam; đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh của Quảng Nam - một tỉnh giàu tiềm năng về phát triển du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hoá bản địa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận định việc tổ chức Hội thảo "Quảng Nam phát triển Du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa và Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam” là hành động thiết thực mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; là cơ hội để Quảng Nam khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch; đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Chia sẻ về thực tiễn phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh trên thế giới và ở Việt Nam, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Quảng Nam là địa phương giàu tài nguyên du lịch, sở hữu hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận - Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Chủ trương và định hướng xuyên suốt của Quảng Nam là “phát triển đề bảo tồn, bảo tồn để phát triển”, theo đó, phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ các giá trị di sản, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái. Thực hiện nhất quán từ chủ trương đến hành động, thời gian qua, Quảng Nam đã thành công trong cả phát triển du lịch lẫn bảo tồn. Mặc dù là điểm nóng thu hút khách du lịch, nhìn chung, Quảng Nam không bị phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái và không bị vượt quá sức chứa du lịch.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam,"Du lịch bền vững Quảng Nam - du lịch không rác thải nhựa", kế tiếp - du lịch "Xanh" là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên… Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện không dễ, bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu - dài hạn và thiện chí đồng hành. Hơn thế nữa, những tác động ngoại lực về cơ chế chính sách là rất quan trọng. Những kiến nghị từ góc nhìn của doanh nghiệp du lịch sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, ưu tiên - khích lệ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch - dịch vụ xanh tại Quảng Nam.
Thảo luận về giải pháp thúc đẩy kế hoạch phát triển du lịch Xanh của Quảng Nam, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho rằng, việc mở cửa lại hoạt động du lịch một cách hiệu quả theo định hướng phát triển du lịch bền vững tại Quảng Nam là một nhiệm vụ quan trọng để phát huy vị thế của du lịch Quảng Nam cũng như góp phần tăng năng lực cạnh tranh của điểm đến quốc gia. Để đẩy mạnh áp dụng các giải pháp để phát triển du lịch xanh, các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam cần tích cực triển khaihành động gìn giữ vệ sinh môi trường cũng như tuyên truyền cho khách du lịch về việc phát triển du lịch xanh như: phân loại, xử lý rác thải, ưu tiên sử dụng vật dụng thân thiên môi trường trong kinh doanh. Hiện nay, một số nhà hàng ở Quảng Nam đã hạn chế sử dụng ống hút nhựa, ly nhựa mà thay thế bằng ống hút làm bằng gạo, ly giấy; nhiều chủ homestay, villa, khách sạn, nhà hàng chú trọng đến việc phân loại rác nhà bếp để làm phân hữu cơ, giảm tác động môi trường. Đây là những mô hình phát triển du lịch bền vững cần được phát huy và nhân rộng để góp phần xây dựng hình ảnh du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam.
Tại Hội nghị, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra một số kiến nghị như: Quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu; cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp; thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, kiến tạo một chu trình mới; chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành Du lịch ở Quảng Nam; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên…
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra Lễ Công bố Bộ tiêu chí Du lịch Xanh Quảng Nam; Công bố sự kiện Tuần Du lịch Xanh Quảng Nam 2022; trao bảng Chứng nhận doanh nghiệp đăng ký áp dụng Bộ tiêu chí du lịch Xanh Quảng Nam.
Phương Nhi