Thành nhà Hồ được cho xây dựng vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, là kinh đô của nước Đại Việt, vương triều Trần từ năm 1988 - 1400 và kinh đô nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ từ năm 1400 - 1407. Trải qua hơn 6 thế kỷ, di sản Thành nhà Hồ trường tồn như một nhân chứng bất diệt cho một thời kỳ lịch sử sôi động, bi hùng của Đại Việt và những bài học lịch sử nhân văn vô cùng sâu sắc. Hiện nay, cảnh quan, môi trường quanh khu di sản vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Quanh Thành nhà Hồ còn có hàng loạt các di tích kiến trúc cổ truyền liên quan đến lịch sử kinh thành và vùng đất Vĩnh Lộc cổ xưa. Tất cả tạo nên một quần thể di tích phong phú, quý hiếm hội đủ các yếu tố xây dựng thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
|
Với gần 50 bài tham luận của các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa - du lịch, hội thảo đã tập trung bàn về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ. Nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở những địa phương khác như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh…
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, Thành nhà Hồ là tài nguyên du lịch ngoại hạng, vượt ra khỏi tầm quốc gia. Nếu muốn phát huy được giá trị di sản Thành nhà Hồ, cần phải có nhận thức đúng đắn ở cả chính quyền và người dân; việc phát huy giá trị không được xung đột với bảo tồn di sản; phải kết nối được với các điểm du lịch khác trong vùng, trong nước...
Hầu hết ý kiến đại biểu đều cho rằng: Phát triển du lịch tại Thành nhà Hồ trước hết phải dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc trưng khu vực Thành nhà Hồ và phụ cận, mà hạt nhân chính là Thành nhà Hồ. Muốn phát triển du lịch bền vững, Thanh Hóa phải chú trọng làm tốt công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, bởi còn nhiều giá trị chưa được làm rõ; có kế hoạch quản lý cụ thể và rõ ràng; học tập kinh nghiệm của các nước có các công trình kiến trúc về thành giống như chúng ta; chú trọng phát triển du lịch phải theo hướng bền vững...
PT