.jpg)
Toàn cảnh hội thảo
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, các di sản văn hóa Hà Nội hiện đã trở thành lực hút hấp dẫn cho ngành du lịch Thủ đô, đóng vai trò quyết định làm cho sản phẩm du lịch Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Ngoài các điểm đến, các hoạt động văn hóa được giới thiệu và biết đến còn rất nhiều các địa điểm, di tích, hoạt động và các sản phẩm khác chưa được “phát lộ”, còn “bỏ sót” nhiều tài nguyên di sản quý giá.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường trao đổi tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thảo luận xung quanh các vấn đề: khai thác giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch Hà Nội; phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội dựa trên giá trị di sản văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến; khai thác du lịch đối với di sản làng nghề Hà Nội; di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long – giá trị di sản cho phát triển du lịch Hà Nội; một số kinh nghiệm khai thác di sản của các tỉnh, thành trong cả nước…
Các đại biểu cũng chỉ ra nhiệm vụ cụ thể trong sự gắn kết giữa các điểm đến văn hóa và doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong quảng bá, giới thiệu, đầu tư xây dựng sản phẩm mới. Một mặt, việc đảm bảo hài hòa lợi ích mang lại từ phát triển du lịch văn hóa cũng được tính đến để cả điểm văn hóa và người tham gia vào các hoạt động văn hóa đều được thụ hưởng những lợi ích mang lại từ du lịch. Từ đó các nhà quản lý, người làm du lịch có thể huy động tối đa các nguồn nhân lực địa phương tại các điểm văn hóa tham gia làm du lịch. Các nhà khoa học cũng cho rằng, thành phố và các địa phương cần khuyến khích chính các doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa cũng như các loại hình du lịch khác.
Hà Nội cần xây dựng một chiến lược du lịch Thủ đô cả tầm dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; trong đó đặc biệt chú trọng đến các dự án du lịch trong 10 - 20 năm tiếp theo, xác định rõ những dự án trọng điểm, có tính khả thi cao. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phải có chiến lược du lịch hướng đến phát triển chất lượng du khách thay vì số lượng, thu hút du khách lưu trú lâu hơn.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khuyến nghị rằng thách thức cần ưu tiên giải quyết đối với Hà Nội hiện nay là đảm bảo sự cân bằng mang tính bền vững giữa lịch sử và di sản của thành phố, giữa sức ép hiện đại hóa và nhu cầu của người dân, giữa một “mái nhà” của người dân và sự trải nghiệm của hàng triệu lượt du khách đến đây mỗi năm.
Thanh Hiền