Hội nghị đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, là một đất nước nhiều tiềm năng cùng cơ hội phát triển bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa – thiên nhiên cũng như những giá trị truyền thống vì sự phát triển bền vững. Thông qua Hội nghị, tổng kết, đánh giá thực tiễn về bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn, phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Hội nghị cũng đã đề xuất giải pháp huy động nguồn lực cũng như sự tham gia của người dân; đưa ra các khuyến nghị bảo tồn, phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh đó, góp phần quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của tỉnh Ninh Bình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đẩy mạnh giữ gìn bảo tồn các di sản văn hóa - thiên nhiên của Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, Hội nghị cũng góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nâng tầm thương hiệu tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế của Ninh Bình; đồng thời tiếp tục để lại ấn tượng tốt đẹp về một Ninh Bình thân thiện, giàu lòng mến khách với thế giới. Đặc biệt là việc góp phần cùng Ninh Bình nói riêng, các đô thị khác của Việt Nam và các nước nói chung trong việc tìm kiếm giải pháp, huy động các nguồn lực bảo tồn, phát huy danh hiệu UNESCO bền vững.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm gồm: “Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”; “Kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững”; “Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững”. Đáng chú ý, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ về cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị, bảo đảm các đô thị là di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình “đô thị nén”, vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh; cơ chế, chính sách đặc thù cho lựa chọn mô hình cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng đô thị di sản đủ khả năng loại trừ kiểu công nghiệp hóa cổ điển gây tổn thương cho di sản văn hóa, xung đột với bảo vệ môi trường sống; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản; cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển...
Gia Khôi