Tại Phiên họp, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili đã nhắc lại các mục tiêu và ưu tiên của UNWTO trong năm 2023 -2024; báo cáo về xu hướng du lịch thế giới và triển vọng; thông báo về những sáng kiến và hoạt động chính của UNWTO trong năm 2023, bao gồm hợp tác với các tổ chức khác, quản trị điểm đến, xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường, phát triển sản phẩm, đổi mới, giáo dục, đầu tư, phát triển tài năng và thanh niên, phát triển bền vững, thống kê du lịch toàn cầu, đạo đức du lịch, bảo vệ khách du lịch… Đáng chú ý, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, UNWTO đã triển khai đánh giá về xu hướng và triển vọng du lịch của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các cơ hội phục hồi và phát triển; phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức 2 Hội thảo về Quản trị Điểm đến Bền vững tại Bình Thuận tháng 2/2023 và tại Ninh Bình tháng 6/2023.
Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo Kết quả khảo sát về ưu tiên của các nước thành viên với Chương trình Công tác UNWTO 2024-2025 và tầm nhìn dài hạn. Các đại biểu đồng thời đã thảo luận về Chương trình, về địa điểm, thời gian của Phiên họp Liên Ủy ban Đông Á-Thái Bình Dương và Ủy ban Nam Á lần thứ 36; công tác chuẩn bị cho Đại hội đồng lần thứ 25 của UNWTO vào tháng 10/2023 tại Uzbekistan...
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã chia sẻ về những thách thức của Du lịch Việt Nam trong hoạt động phục hồi và phát triển theo hướng bền vững. Theo đó, kể từ năm 2022, ngành Du lịch đã phục hồi nhanh chóng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; các nước thành viên UNWTO lần lượt mở cửa trở lại và dỡ bỏ các hạn chế do COVID-19. Tại Việt Nam, năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,7 triệu lượt; khách nội địa đã vượt mức trước dịch.
“Chúng tôi thừa nhận một số ưu tiên và thách thức đối với phát triển du lịch theo hướng bền vững và khả năng phục hồi ở Việt Nam, bao gồm xây dựng lại nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; khai thác các thị trường nguồn tiềm năng; nới lỏng chính sách thị thực; tăng cường các chiến dịch marketing và nắm bắt công nghệ. Với những thách thức nêu trên, chúng tôi hy vọng rằng UNWTO có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả để hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc xây dựng năng lực và các hoạt động liên quan đến đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trong việc thiết kế các chiến lược mới cho phát triển du lịch; đồng thời, đưa ra các cập nhật, khuyến nghị về công nghệ và đổi mới trong du lịch” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Tại Phiên họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng chia sẻ thông tin về việc hợp tác chặt chẽ với Văn phòng hỗ trợ khu vực của UNWTO tại Châu Á và Thái Bình Dương (RSOAP) tổ chức thành công hai cuộc hội thảo tại Việt Nam để giới thiệu Sổ tay “Quản lý khu vực bền vững thông qua du lịch” vào tháng 2 và tháng 6 năm nay. Đặt biệt, Việt Nam sẽ phối hợp với UNWTO cùng sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức Chương trình đào tạo cán bộ điều hành UNWTO Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 17 về Chính sách và Chiến lược Du lịch tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11.
Gia Khôi