(VTR) - Penang là một hòn đảo, cũng là một bang của đất nước Malaysia. Từ thủ đô Kuala Lumper, sau 55 phút lướt trên đường trời, cô tiếp viên bảo, đảo Penang kia kìa. Tôi hắt ánh nhìn từ chín tầng mây xuống. Một hòn đảo kỳ lạ, từ vài góc nhìn, nó khá giống một quả cau, chả trách sách tiếng Việt trước thế kỷ 20 vẫn gọi Penang là cù lao Cau, đảo Hòn Cau, rồi tiếng Mã Lai hiện đại cũng chiết tự chữ (Pulau Pinang, Penang) là đảo hình quả cau.
“Quả cau” thiêm thiếp ủ trong mây mù voan trắng, lá trầu không ngăn ngắt xanh là đại dương bao la. Kia rồi, cô tiếp viên bảo, đó là cây cầu Penang 13,5km, trắng muốt, vút cong từ Penang ra xanh thắm mặt biển. Đây là cây cầu dài thứ 4 ở toàn bộ khu vực Đông Nam Á, nườm nượp “cõng” tới 65.000 lượt ô tô đi qua mỗi ngày, nối hòn đảo với phần còn lại của bang Penang trong lục địa Malaysia.
Từ trên cao nhìn xuống, Penang phủ một màu xanh êm dịu, mơ màng. Ở bất cứ góc máy, góc nhìn nào, người ta cũng có thể thấy “ốc đảo” không to lắm này có rất nhiều cửa sông. Sông chằng chịt, sông đan cài nhau, các góc của đảo đều có hình đầu con mực đang bơi giữa đại dương. Đó là vùng đất cổ, từ thuở sơ khai đã có con người sinh sống. Tuy nhiên, mọi thay đổi lớn bắt đầu từ khi nhà hàng hải phương Tây đầu tiên đặt chân đến Penang vào năm 1592. Ông James Lancaster, người Anh đã giong thuyền buồm vượt đại dương qua Công ty Đông Ấn lừng danh, rồi ghé đảo Penang, cướp phá mọi con thuyền mà ông gặp, rồi trở về Anh vào năm 1594. Năm 2008, thủ phủ lịch sử của Penang là Georgers Town chính thức trở thành một Di sản thế giới, với “phong cảnh độc đáo về kiến trúc đô thị và văn hóa không tương tự như bất cứ nơi nào tại Đông và Đông Nam Á”.
Người Penang hiền hòa đã kỳ công coi sóc và nâng bước cho các giá trị của đảo trở thành kỷ niệm cho bất cứ gót lãng du nào. Chỗ nào cũng chầm chậm, dịu dàng, dẫu Penang bây giờ gồm nhiều khu nhà chọc trời. Bên cạnh các kiến trúc cổ kính thời thuộc địa (các pháo đài nhà cửa của Anh) còn có các dãy phố di sản đền chùa, hội quán, nhà cổ China Town (phố Tàu), kết hợp kiến trúc Maroc; và khu đền đài Hindu Tiểu Ấn (Little India) vô cùng phong phú. Bên cạnh đó là các khu rừng nhiệt đới mấy chục héc-ta giữa đảo, các sân chim, các nông trại bướm sặc sỡ sắc màu. Đan xen cũ mới, đan xen nhiều màu da, quốc tịch mà vẫn không bị rối loạn. Penang đẹp như một bến bình yên giữa đại dương không phải khi nào cũng yên sóng ấy. Nơi này, có khi chưa kịp chia xa, bạn đã cảm thấy nhớ nhung vô ngần.
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
(Tạp chí Du lịch)