Các làng cổ như Phong Nam, Túy Loan, Dương Lâm, Thái Lai… hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như đình Túy Loan, nhà thờ Tộc Đặng, đình Bồ Bản, đình Dương Lâm (xã Hòa Phong), đình Thái Lai, đình Phước Thuận (xã Hòa Nhơn), nhà thờ tộc Đỗ, nhà cổ của ông Đỗ Hữu Minh ở Thái Lai (xã Hòa Nhơn), nhà cổ của ông Đặng Công Lẫm ở thôn Túy Loan, nhà cổ của ông Huỳnh Văn Luân ở thôn Bồ Bản (xã Hoà Phong), phần lớn các ngôi nhà này được xây dựng vào giữa và cuối thế kỷ 19.
Vốn nổi tiếng xa gần với các làn điệu dân ca, hát hò khoan, bài chòi, lý hò vè độc đáo, đồng hành cùng các câu hát đồng dao, hát bả trạo, hát sắc bùa, các trò diễn dân gian như múa lân, các vũ đạo có đường nét kinh điển của nghệ thuật tuồng truyền thống mà người xưa gọi là hát Bội, không có cuộc vui nào, lễ hội nào các làng quê tại Đà Nẵng lại không tổ chức các trò diễn xướng dân gian hoặc diễn lại các tích tuồng nổi tiếng. Cho đến nay, khi đi dọc triền sông đến với làng quê Đà Nẵng ta vẫn có thể lắng nghe đâu đó một điệu hò khoan trữ tình hay đôi bài đồng dao thân thuộc của những đứa trẻ chăn trâu văng vẳng lại.
Văn hóa xứ Quảng còn là sức sống, sức sáng tạo của người dân được thể hiện ở kinh nghiệm, tri thức được tích lũy trong quá trình lao động và đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên, với kẻ thù. Tri thức và năng lực sáng tạo đó được biểu hiện qua hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, hàng trăm sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề chiếu Cẩm Nê, đan lát Yến Nê đã nổi tiếng không chỉ ở Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn đi vào các tỉnh miền Nam và vang xa tới các tỉnh miền Bắc. Trải qua năm tháng, những làng nghề ấy vẫn giữ cho mình nét hồn hậu, chân chất.
Và giờ đây, dường như tất cả những tinh hoa văn hóa của miền đất này đã được lắng đọng tinh tế trong từng lễ hội, phong tục tập quán, tâm lý truyền thống; được kết tinh từ lao động sáng tạo, lối suy nghĩ, lối sống và cả cách ứng xử của các tộc người cùng cộng cư trên vùng đất này. Qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, lễ hội luôn được xem là nơi lưu giữ trọn vẹn nhất những nét đặc trưng của văn hóa làng quê Đà Nẵng. Điển hình là lễ hội làng Tuý Loan và lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ. Hằng năm đình Túy Loan thường tổ chức 2 lễ lớn: tế xuân và tế thu với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao bổ ích, vui nhộn như: đua thuyền, hát hò khoan đối đáp, thi nướng bánh tráng... thu hút đông đảo du khách. Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ là một trong những lễ hội độc nhất vô nhị, dành riêng cho các trẻ chăn trâu, có ý nghĩa tôn vinh nghề nông và cầu cho vụ mùa bội thu. Trước khi về làm lễ chính thức ở đình làng, mục đồng chọn mảnh đất trống cùng người dân, du khách thỏa thích tham gia các trò chơi dân gian dành cho con trẻ: bịt mắt bắt vịt, đánh nẻ, đánh thẻ, kéo co… Trong quá trình hành lễ mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước mục đồng và say xưa nghe những tích thoại diễn xướng, những câu hát đồng dao đặc trưng của trẻ chăn trâu.
Tuyến du lịch trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử ở các làng quê ven sông tại Đà Nẵng còn có thể gắn kết với các điểm tham quan du lịch khác của thành phố như: bán đảo Sơn Trà - lá phổi xanh của Đà Nẵng với nhiều động vật quý hiếm, nhiều bãi tắm đẹp và những dịch vụ biển hấp dẫn; đèo Hải Vân được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”; bảo tàng điêu khắc Chăm độc đáo, trưng bày những hiện vật tượng trưng cho văn hóa và nghệ thuật điêu khắc Chăm; công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, làng dân tộc Cơ Tu, chợ Hàn, khu di tích lịch sử căn cứ lõm K20...
Hiện nay, dọc tuyến sông Hàn về phía thượng nguồn chỉ có 2 bến tàu tư nhân được đầu tư, đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy định. Một là của doanh nghiệp tư nhân Hàn Giang với cầu tàu, bến bãi cho tài neo đậu (vị trí cạnh cầu Hòa Cầm – Đò Xu); một là của Công ty cổ phần xây dựng điện VNECO11 với quy mô lớn, có cầu tàu, bến bãi và khuôn viên cây xanh bố trí riêng cho tàu du lịch Sông Hàn (vị trí đối diện Bảo tàng Chăm).
Ngoài ra, Sở Du lịch (cũ) đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng khảo sát, lập các bến neo đậu cho các tàu tại vị trí cầu cảng số 9 cũ. Tuy nhiên tại đây mới chỉ mở lan can làm lối xuống tàu cho khách, chưa có cầu tàu và hệ thống cung cấp điện, nước; chưa có quầy bán vé, quầy cung cấp thông tin, khu vực ngồi chờ và nơi giữ xe.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 8 đơn vị và cá nhân đầu tư các phương tiện đường thủy. Tuy nhiên, ngoại trừ các phương tiện mới được đầu tư của công ty Huy Khánh, hầu hết các phương tiện đều có quy mô nhỏ hoặc được nâng cấp từ các tàu phục vụ cho các mục đích khác như đánh cá, phà chở khách, do đó cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ và đầy đủ, chất lượng phương tiện và dịch vụ thấp.
Nếu được quy hoạch và đầu tư khai thác hợp lý, sản phẩm du lịch đường sông sẽ là một sản phẩm đặc sắc góp phần thu hút du khách đến tham quan thành phố.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Hoàng Hải (2004), Đà Nẵng trên con đường di sản, Nxb Đà Nẵng.
2. Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2008), Tập tục lễ hội đất Quảng - Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian, Nxb Đà Nẵng.
3. Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2008), Văn hóa dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng.
4. Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2009), Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng - Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian, Nxb Đà Nẵng.
ThS. Lê Thị Thu Hiền
(Tạp chí Du lịch)