Tachkent - chiếc nôi của những công trình cổ đại
Nằm giữa miền núi Tchimgan và các thung lũng xanh, thành phố Tachkent được thừa hưởng những luồng khí hậu thoáng đãng. Đến thăm Tachkent, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước những vườn cây trái, những cánh đồng nho và những cánh đồng trồng bông ngút ngàn bất tận, rồi những công viên rộng lớn, những hàng cây, thảm cỏ xanh mướt, những đại lộ thênh thang… Tachkent (có nghĩa là “thành trì bằng đá”) được xem như chiếc nôi của những công trình cổ đại tại Ouzbékistan, nhưng độ tuổi đích thực của thành phố này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi.
Một trong những khu cổ và nổi tiếng nhất của Tachkent là Kanka (được thành lập vào khoảng thế kỷ III TCN), nằm tại vùng ngoại ô thành phố, thuộc huyện Akkourgan. Trước khi bắt đầu chiến dịch Ấn phạt vào năm 326 TCN, Alexandre đại đế đã dời đại bản doanh của mình ở Maracanda (Samacandre) để chinh phục thành lũy tại nơi mà hiện giờ là quảng trường Tachkent. Đến Tachkent, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những công trình tráng lệ nguy nga của các cơ quan thuộc chính phủ hay những nhà băng, nhà hát, phòng hòa nhạc; các tòa nhà đồ sộ với những cây cột khổng lồ mang màu xanh mát, rực rỡ, sống động như tòa thị chính thành phố, nhà quốc hội, tòa Cung điện Trắng của Tổng thống...; hay chợ Tchorsou, quảng trường Eski Djouva, trung tâm Mode được xây dựng với phong cách cổ.
Khiva – thành phố du lịch
Chúng tôi đến Khiva bằng máy bay tại ga hàng không Ourgenth. Khiva là một khu cổ được bao quanh bằng những thành lũy kiên cố, không lớn lắm và đã được tôn tạo hoàn toàn, xây dựng theo đúng di bản cổ. Khiva trông giống như một nhà bảo tàng ngoài trời, một món đồ trang sức lộng lẫy mọc lên giữa bốn bề hoang mạc. Nằm cách dòng sông Amou-Daria chừng 40km, với dân số chừng 50.000 người, Khiva hầu như chưa bị cuộc sống hiện đại xô bồ thâm nhập, với vô vàn những nhà thờ hồi giáo, lăng tẩm, cung điện… cùng các loại vải tơ lụa sặc sỡ sắc màu. Khí hậu lục địa nơi này hơi khắc nghiệt, mùa hè kéo dài và mùa đông thì ngắn hơn (nhiệt độ đôi khi xuống thấp đến 4-5oC, mùa hè có thể lên tới 44 oC).
Nằm gọn đằng sau những bức tường kiên cố bằng gạch chừng 10m bên trong thành lũy Khiva là khu trung tâm Itchan Kala (diện tích chừng 26ha). Đây là chặng cuối cùng của những đoàn xuyên sa mạc trước khi họ dấn vào vùng sa mạc để đến Iran. Mặc dù chỉ còn giữ lại được chút ít những công trình rất cổ, nhưng nơi đây vẫn là một ví dụ điển hình cho sự hòa hợp và lưu giữ kiến trúc Hồi giáo của Trung Á với phong cách xây dựng tuyệt hảo như Nhà thờ Hồi giáo Djouma, những lăng tẩm, những trường dạy đạo Hồi và hai cung điện lộng lẫy có niên đại từ đầu thế kỷ 19. Từ năm 1991, cả khu Itchan Kala đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Đến với Khiva, chúng tôi vô cùng thích thú khi ngắm nhà thờ Hồi giáo Djouma tại đây, với 218 cây cột được chạm trổ công phu, hình trang trí không cây nào giống cây nào. Những công trình cổ nổi tiếng của Khiva đã thu hút rất nhiều khách du lịch bốn phương, và Khiva cũng là thành phố có nền du lịch phát triển nhất Ouzbékistan.
Boukhara - hòn ngọc của Hồi giáo
Sau khi chạy qua một vùng sa mạc khá rộng, chúng tôi đến Boukhara – một thành phố duyên dáng, nằm ở miền Nam Trung Bộ Ouzbékistan. Hệ thống giao thông đang được làm lại dưới sự trợ giúp tài chính của UNESCO. Là thủ phủ của tỉnh cùng tên, thành phố Boukhara vẫn giữ được tinh thần Á Đông trong một ngữ cảnh hiện đại bởi đây là nơi cấm những kẻ ngoại tình được đặt chân đến trong suốt nhiều thế kỷ. Vào thời của những “nhà chinh phục”, nơi đây được mệnh danh là “hòn ngọc của Hồi giáo”.
Nằm giữa Con đường Tơ lụa và vương quốc Perse, Boukhara và Samacandre đã gia nhập nước Cộng hòa xã hội Xô Viết Ouzbékistan dưới thời Staline. Boukhara ngay từ thời trung cổ đã rất năng động và chẳng bao lâu đã thu hút sự thèm muốn của các quốc gia láng giềng. Đó là lý do khiến Boukhara trải qua không ít thăng trầm do bị các quốc gia khác xâm chiếm.
Boukhara cũng là tên của những tấm thảm turkmène, được chia nhỏ thành các phần téké và yomouth (tên của hai gia đình đứng đầu vùng Turkmène) có hoa văn rất điển hình và rất dễ nhận ra bởi sự trang trí được lặp lại cùng với một hình họa, đó là hình goul - biểu tượng của tộc dệt thảm. Ngoài ra, Boukhara có rất nhiều các trường dạy kinh tầm cỡ. 140 công trình được UNESCO bảo trợ đã minh chứng sự giàu có, đa dạng về lịch sử và văn hóa của thành phố này.
Nếu đã đến Ouzbékistan, du khách không thể bỏ qua thành phố Samacandre, nơi mọi công trình cổ hầu như đều đã tìm lại được dáng vẻ ban đầu. Nằm ở phía Nam Samacandre, thành phố Chakhrisabz (có nghĩa là “thành phố xanh” theo tiếng Perse) là Di sản thế giới từ năm 1993. Trung tâm lịch sử Chakhrisabz có những tòa công trình nổi tiếng có một không hai và những khu phố cổ minh chứng cho sự phát triển lâu đời của thành phố.
PV
(Tạp chí Du lịch)