Đá Dựng là một danh thắng còn hoang sơ, đỉnh núi hơi bằng, cao 83m, cây mọc trên núi hầu hết đều mang dáng vẻ đặc biệt, cổ quái, từ trong khe đá mọc ra càng làm cho ngọn núi mang vẻ u tịch. Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, Đá Dựng còn có tên là Bạch Tháp, nằm cách Thạch Động 2000m. Tương truyền thời xa xưa nơi đây sông núi quanh co, cỏ cây rậm rạp, dưới chân núi có tháp của một vị hòa thượng nên hằng năm vào mùa Phật Đản, chim hạt thường bay đến múa, vượn xanh dâng quả khiến cho cảnh chùa trở nên tiêu sái tịch mịch. Nhà thơ Đông Hồ có đoạn tả: “Dưới chân núi là cảnh sơn thôn, sơn trại, mấy túp nhà tranh vách đất núp dưới rặng tre xanh thật tĩnh mịch êm đềm… có gà gáy trên mây, chó sủa sườn núi, đìu hiu và man mác…”
Còn trong “Hà Tiên thập cảnh” Đá Dựng có tên là Châu Nham lạc lộ (đàn cò trắng bay về núi ngọc). Các loài chim cò ban ngày tung cánh bay đi tìm mồi. Tối sải cánh bay về ẩn trú trên các vòm cây, hang đá. Hiện nay trong các hang hóc của núi Đá Dựng cò nhiều vỏ hào, vỏ ốc bám đầy trên vách đá, chứng tỏ xưa kia là biển hoăùc đầm nước. Theo một số cứ liệu thì nơi đây trước kia là sân chim (điểu đình), lúc Mạc Cửu đến khai thác đất Hà Tiên đã phát hiện có một viên ngọc quý tại núi Châu Nham nên càng khiến cho vùng núi nầy trở thành một vùng đất thiêng. Rồi trải qua quá trình thay đổi về địa hình, vùng núi non hiểm trở và cỏ cây rậm rạp xưa kia đã biến thành núi Đá Dựng như ngày hôm nay.
Trong lòng núi có nhiều hang động và thạch nhũ lấp lánh. Do bị xâm thực từ xa xưa nên mỗi chóp núi, mỗi hang động được cấu tạo như một tòa lâu đài với hằng trăm vọng đảo kỳ thú. Hầu hết các hang động đều ăn luồng vào trong sâu thẳm, ngoằn ngoèo, có đường thông gió mát lạnh. Đăùc biệt là tại hang trống ngực, khách vỗ ngực sẽ phát ra một thứ âm thanh là lạ do sự cộng hưởng từ vách núi dội ra. Còn như vỗ nhẹ vào gác chuông, từ thạch nhũ sẽ phát ra những tiếng kêu thanh thoát. Ly kỳ nhấựt là hình tượng cây đàn Thạch Sanh 5 dây bằng thạch nhũ treo lủng lẳng trên vách đá, khi chạm vào sẽ phát ra âm thanh trầm bổng thật êm tai. Ngoài ra còn nhiều thạch nhũ khác được cấu tạo thành những hình thù kỳ quái, đầy ấn tượng như: hang Khổ Qua, hang Thần Kim Quy, hang Mẹ Sanh, hang Bồng Lai, hang Biệt Động… Hang nào cũng lung linh huyền ảo khiến cho người xem tha hồ đặt tên theo suy tưởng riêng của mình. Ngày nay, nhìn những vẻ đẹp hoang sơ, trầm lắng giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời đó, du khách cảm thấy hồn lâng lâng và nghe như có tiếng vọng rất khẻ từ tâm cảm.
Trong thời chống Mỹ, Đá Dựng có một vị trí quân sự rất quan trọng nên đã trở thành căn cứ cách mạng của Đảng bộ và quân dân Hà Tiên, nhất là cuộc chiến đấu 27 ngày đêm hồi tháng 5 năm 1970, lực lượng ta tuy rất ít nhưng đã anh dũng chiến đấu và bảo vệ căn cứ cho tới ngày toàn thắng. Hiện nay, dấu tích của chiến tranh vẫn còn in trên từng hang động. Mỗi lối đi, mỗi bậc đá như còn đó dấu chân của người chiến sĩ năm nào. Hiện trên lưng chừng núi có một tấm bia trang trọng ghi tên 21 liệt sĩ đã hy sinh trên dãy núi này.
Anh Lê Quang Khởi, bộ đội phục viên, người đã từng có mặt nơi đây trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiện là Tổ trưởng khu du lịch Đá Dựng cho biết. Trong lòng núi có tất cả 17 hang động, hiện mở cửa đón khách được 14 hang từ năm 2003 đến nay, mỗi ngày đón nhận trên 2000 khách du lịch đến tham quan và khảo cứu.
Thiên nhiên và dấu vết thời gian đã ban tặng cho núi Đá Dựng một khung cảnh tĩnh mịch nhưng thật nên thơ. Nơi đây vừa là một di tích lịch sử hào hùng, vừa là một vùng sơn thuỷ hữu tình, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Di sản Văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đến với Đá Dựng, du khách như trở về với cội nguồn và khám phá thêm nhiều vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên.
HOÀI PHƯƠNG