Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, tiềm năng lớn của cả ba tỉnh là rừng, thủy điện, khoáng sản, cây công nghiệp, cây ăn quả và dược liệu. Du lịch cũng có thể trở thành ngành kinh tế quan trọng nếu khai thác tốt lợi thế về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá, sinh thái đa dạng của địa phương cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, đây là các tỉnh có điều kiện mở rộng hợp tác, giao thương với các tỉnh biên giới Trung Quốc.
Mặc dù có tiềm năng lớn, song ba tỉnh đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, nhất là hệ thống giao thông, đường quốc lộ vẫn là khó khăn mà nhiều nhà đầu tư cho rằng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và ngân sách các địa phương, chứ không thể trông chờ vào các nhà đầu tư, bởi khả năng sinh lời của hệ thống đường quốc lộ khu vực này không cao, trong khi nguồn vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu cũng là một trong những yếu tố được coi là điểm yếu của cả ba tỉnh.
Theo ông Dương Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, tìm được một khu đất chừng 150 - 200 ha làm khu công nghiệp địa bàn miền núi là điều vô cùng khó khăn. Mặc dù Lạng Sơn đã điều chỉnh lại quy hoạch để có được khu công nghiệp lớn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biên mậu. Trong đó, đã hình thành một khu có diện tích khoảng 300 ha được quy hoạch chi tiết, 2 khu có diện tích tương đương cũng đang được Tỉnh triển khai. Tuy nhiên, chừng đó chưa thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…
Điều kiện đầu tư của các tỉnh nói trên còn rất nhiều khó khăn, song không vì thế làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Điều này đã được minh chứng với khoảng 6.000 tỷ đồng vốn được cam kết đầu tư trên địa bàn ba tỉnh. Nhiều thoả thuận đầu tư được ký, trao cho nhà đầu tư ngay tại Hội nghị. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn trao 3 giấy chứng nhận đầu tư và ký 4 thoả thuận đầu tư, tỉnh Cao Bằng trao 4 giấy chứng nhận đầu tư và tỉnh Bắc Kạn có 2 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, 01 dự án được chấp thuận đầu tư. ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cam kết, từ nay đến năm 2010, sẽ bố trí nguồn tín dụng khoảng 15.000 đến 20.000 tỷ đồng cho các dự án tại ba tỉnh, với mức lãi suất hợp lý ưu tiên đầu tư năng lượng, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh tế cửa khẩu…
Đối với Lạng Sơn, điểm nổi bật là hàng loạt dự án đầu tư lớn đã được hình thành, như dự án xây dựng trung tâm phân phối bán sỉ và kho vận của Công ty Cổ phần Phú Thái, với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng; dự án tổ hợp khách sạn 5 sao và trung tâm dịch vụ thương mại với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng... Hiện nay, một số công ty lữ hành đang làm việc với Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn để đầu tư một hệ thống khách sạn và khu du lịch hướng vào đối tượng khách du lịch đường bộ Trung Quốc đi qua cửa khẩu biên giới.
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, Hội nghị đã thành công hơn cả mong đợi, nhưng vấn đề quan trọng lúc này là phải khẩn trương bổ sung các công việc cần làm trong thời gian tới để biến những cam kết, các dự án thành hiệu quả kinh tế. Chia sẻ quan điểm này, ông Hoàng Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, kết quả 6.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Cao - Bắc - Lạng là rất đáng khích lệ, nhưng đó chỉ là con số ban đầu. Để phát huy được hiệu quả thực tế của các dự án, cần có sự phối hợp tốt giữa Trung ương với địa phương, ngành ngân hàng, vai trò thông tin của báo chí… Theo ông Huấn, sau đây có thể tổ chức ngay cuộc gặp với các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư vào từng tỉnh để nắm bắt những kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
VIỆT LONG