Đường đến Bản Giốc
Hiện nay, để đến được Bản Giốc chỉ có duy nhất bằng đường bộ. Du khách có thể đi từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) (nếu đến từ các tỉnh/thành khác) và lựa chọn hai tuyến đường sau: Đi theo quốc lộ 1: Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc (quãng đường khoảng 340 km); đi theo quốc lộ 3: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc (quãng đường khoảng 370km).
Trên đường đi, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, đèo, sông, suối, ruộng bậc thang, làng mạc…
Lưu trú
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Sài Gòn - Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) đạt tiêu chuẩn 4 sao mang phong cách hiện đại kết hợp hài hòa với phong cảnh thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày - Nùng bản địa.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Sài Gòn – Bản Giốc được xây dựng trên tổng diện tích 31,15ha, trong đó diện tích cảnh quan và đất giao thông là 12.1ha; hầu hết các phòng của khu nghỉ dưỡng đều hướng nhìn ra thác Bản Giốc, cảnh quan hồ và rừng cây; đặc biệt, rất gần nơi sinh hoạt của dân tộc Tày và Nùng, tạo thuận lợi cho du khách có thể tìm hiểu cuộc sống thường ngày của người dân bản địa.
Sài Gòn – Bản Giốc chủ yếu phục vụ các món ăn mang đậm hương vị của địa phương như: lạp sườn hun khói Trùng Khánh, khấu nhục (với thành phần chính là thịt heo), rau dạ hiến, măng rừng nhồi thịt nướng, cá sông Quây Sơn chiên giòn, vịt, heo quay lá mác mật…
Thời gian có nhiều du khách tới lưu trú tại Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Bản Giốc nhất là mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8) và mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 11). Buổi sáng, du khách có thể tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Cao Bằng hoặc cùng bà con dân tộc trải nghiệm làm ruộng hay đến chợ mua sắm và thưởng thức đặc sản địa phương. Buối tối, tham gia các hoạt động về đêm cùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng như đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ.
Điểm tham quan
Thác Bản Giốc: là một trong những thác nước đẹp vào bậc nhất khu vực Đông Nam Á, nằm tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách thành phố Cao Bằng 89km.
Cách Thác Bản Giốc khoảng 3km là động Ngườm Ngao được đánh giá là một trong những hang động đẹp của Việt Nam, dài khoảng 2.000m. Động được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ óng ánh muôn hình vạn trạng do bàn tay khéo léo của tạo hóa tạo nên từ hàng triệu năm về trước.
Chợ Biên giới - Mốc 835 (người dân vẫn thường hay gọi là chợ Mốc 53), cách thác Bản Giốc hơn 1km, nằm ngay cạnh mốc biên giới. Hàng hóa trong chợ khá phong phú và đa dạng, mang đậm nét bản sắc văn hóa của nhân dân hai nước.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc là ngôi chùa đầu tiên trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Chùa được xây dựng trên ngọn núi Phia Nhằm (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh), thiết kế mang dáng dấp kiến trúc của chùa Việt truyền thống.
Lễ hội
Lễ hội pháo hoa: được tổ chức vào ngày mùng 2/2 âm lịch hàng năm, tại huyện Quảng Uyên nhằm thể hiện tinh thần thượng võ, lôi cuốn các chàng trai khỏe mạnh từ các địa phương đến tham gia cướp đầu pháo với hy vọng giành được may mắn.
Hội Lồng tồng
Hội Lồng Tồng (xuống đồng) thường được tổ chức vào thời gian sau tết. Bà con dân tộc thường tổ chức các trò chơi dân gian: tung còn, rước rồng, múa kỳ lân, sư tử, hát sli, lượn…
Hội Thanh minh
Được tổ chức tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Hội do dân tộc Nùng An khởi xướng và được tổ chức vào ngày thanh minh hàng năm, có ý nghĩa cầu mùa cho dân bản, cầu phúc cho lứa đôi.
Mua gì làm quà?
Đến Bản Giốc, du khách có thể mua những sản vật đặc trưng nơi đây về làm quà như: hạt dẻ Trùng Khánh, lá và quả mác mật, rau dạ hiến, chè dây, chè giảo cổ lam, mật ong rừng, măng, miến dong Nguyên Bình, khẩu sli, bánh khảo…
Kết nối với các địa phương khác
Từ Bản Giốc, du khách có thể kết nối các điểm du lịch ở các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc và Đông Bắc như: hồ Ba Bể, khu vực thành phố Lạng Sơn và hà Giang.
PV