Nỗ lực giải bài toán 150 triệu liều vaccine COVID-19, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất
Cần có giải pháp để các nhà máy, doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng lớn được tiếp tục hoạt động
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 chiều ngày 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo giao Bộ Y tế hướng dẫn Bắc Giang, Bắc Ninh tìm mọi cách để đưa các nhà máy trở lại hoạt động sớm nhất. Ban chỉ đạo cũng cho rằng, tỉnh cần có giải pháp để các nhà máy, doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng lớn được tiếp tục hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất nếu cam kết thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong toàn bộ quy trình sản xuất ở mức cao nhất.
Bốn tiêu chí được đưa ra để các nhà máy được hoạt động trở lại là: tất cả công nhân được quản lý chặt chẽ trong và sau giờ làm việc; các nhà máy được xét nghiệm sàng lọc theo chu kỳ 3 ngày một lần hoặc xét nghiệm nhanh hàng ngày; giãn cách trong nhà máy phải được đảm bảo và phương tiện vận chuyển hàng hoá phải được khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm hàng ngày...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: các doanh nghiệp trở lại hoạt động phải đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ. Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũng cần "khoá chặt" các ổ dịch, quản lý chặt chẽ công nhân tại các khu công nghiệp.
Tham dự buổi họp, chuyên gia dịch tế đánh giá: tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cơ bản đã khoanh vùng, cách ly được các trường hợp F1, các ca nhiễm ở 2 địa phương này giảm dần trong vài ngày qua. Chuyên gia cũng đề nghị các địa phương siết chặt công tác cách ly tập trung để tránh lây nhiễm chéo và các tỉnh không nên áp dụng biện pháp chống dịch quá máy móc, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
Cũng tại buổi họp, đại diện Bộ Công thương cho biết: cơ quan này nhận được nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương trong sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá.
Bộ Y tế phân bổ gần 1,7 triệu liều vaccine COVID-19 và những nỗ lực giải bài toán 150 triệu liều.
Hôm qua, Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ gần 1,7 triệu liều vaccine COVID-19 do Covax tài trợ cho các đơn vị. Các tỉnh miền Bắc được điều phối 688.000 liều (trong đó Bắc Giang và Bắc Ninh nhận khoảng 30.000 liều); miền Trung nhận 203.000 liều; Tây Nguyên 81.000 liều và miền Nam được nhận 460.000 liều. Số còn lại ưu tiên phân bổ cho lực lượng quân đội, công an, 48 bệnh viện, trường đại học và đơn vị kiểm định lưu mẫu. Đặc biệt, ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch.
Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển vaccine tới Dự án TCMR khu vực để phân bổ ngay tới các địa phương, đơn vị theo danh sách
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Y tế đã tiếp nhận 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vaccine từ các đơn vị tài trợ cho Quỹ mua vaccine COVID-19. Trong đó, 160 tỷ đồng là do 5 ngân hàng trao tặng vào Quỹ để mua vaccine; một tập đoàn trao tặng 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, góp phần giúp người dân được tiêm chủng đại trà, đẩy lùi đại dịch.
Trước đó, Chính phủ cũng quyết định dùng nguồn tiền do Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ phòng, chống COVID-19 từ các tổ chức, cá nhân đểmua vaccine sau khi nhận được đề xuất từ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Theo đó, toàn bộ số tiền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ sẽ được chuyển vào ngân sách Nhà nước để mua vaccine. Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, giám sát Mặt trận các tỉnh, thành phố chuyển số tiền đã tiếp nhận vào ngân sách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ra quyết định dùng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020 để mua vaccine. Kinh phí trích từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn tài trợ.
Có thể nói, Chính phủ, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan đang nỗ lực giải bài toán 150 triệu liệu vaccine COVID-19 để có thể tiến hành tiêm chủng đại trà cho người dân.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tạm dừng một số loại hình dịch vụ, hạn chế hoạt động không cần thiết
Ngày 21/5/2021, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh có văn bản khẩn số 1641/UBND-VX gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện về việc tiếp tục tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND Thành phố chỉ đạo tạm dừng hoạt động đối với các loại hình sau: Các cơ sở vật lý trị liệu; massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; trung tâm – nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường; quán bar; karaoke; hát với nhau; pub; …; các Trung tâm thể dục thể thao và khu tập thể luyện thể thao công cộng trên địa bàn Thành phố. Tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Đồng thời, đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện và các công viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải chú ý việc giãn cách và hạn chế tập trung đông người. Còn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống: tạm dừng hình thức phục vụ tại chỗ đối với các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến; các nhà hàng, kể cả nhà hàng trong khách sạn được hoạt động nhưng phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách 2 m trở lên, không phục vụ quá 20 người trở lên cùng một lúc.
Bên cạnh đó, tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến; không tổ chức các cuộc họp tập trung trên 30 người tham dự trong một phòng hợp. Cấm tụ tập nhiều hơn 20 người ngoài các công sở, trường học và bệnh viện. Áp dụng hàng loạt các biện pháp an toàn.
UBND TP. Hồ Chí Minh giao người đứng đầu các quận, huyện, thành phố thủ đức chỉ đạo thực hiện hình thức phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn và các nguồn tin phản ánh. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc tập trung trên 30 người trong mỗi cuộc họp, hội nghị. Cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM phải gương mẫu trong việc chấp hành yêu cầu các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế.
Ngoài ra, đối với hoạt động vận tải hành khách, các chuyến xe không chở quá 50% sức chứa, không quá 20 người mỗi chuyến. Hành khách cần được bố trí ngồi xen kẽ, trang bị dung dịch khử khuẩn và khai báo y tế; đối với taxi truyền thống và công nghệ, hành khách cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19. Xe không sử dụng điều hòa và cửa kính phải được mở trong quá trình vận chuyển hành khách.
Hạo Nhiên
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ