Hà Nội thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch
Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Công văn số 327/SDL-QLCSLT về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch tại Hà Nội.
Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố nghiêm túc, quyết liệt thực hiện một số nội dung như sau:
Thực hiện đầy đủ các quy định, biện pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thành phố. Đặc biệt chú trọng các quy định liên quan đến đơn vị về: dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết; đảm bảo yêu cầu về bố trí tối đa chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp, đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu và các biện pháp (đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khử khuẩn); không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch; các nhà hàng trong khách sạn, các cơ sở ăn, uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu theo đúng quy định; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố thực hiện đăng ký và thường xuyên tự đánh giá, cập nhật lên hệ thống an toàn COVID Quốc gia theo hướng dẫn tại công văn 4519/BVHTTDL-TCDL ngày 9/11/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch đang tạm dừng hoạt động, không kinh doanh vẫn phải đăng ký và đánh dấu vào mục “Cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động" trên hệ thống.
Đối với 19 khách sạn được UBND Thành phố quyết định thành lập làm khu cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19, Sở Du lịch yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình cách ly theo quy định. Siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động tại khách sạn và khách cách ly tại đây. Các cơ sở này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội – đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định và các cơ quan liên quan đánh giá thực trạng, triển khai hệ thống camera giám sát tại khách sạn để tích hợp, kết nối với hệ thống giám sát tập trung do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đảm bảo tiến độ; tuân thủ áp dụng điều chỉnh thời gian cách ly tập trung đối với các trường hợp phải cách ly tập trung theo quy định hiện hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly về nơi lưu trú theo quy định.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, khu/điểm du lịch cần thường xuyên cập nhật từ nguồn thông tin chính thức về tình hình diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo phòng, chống dịch của Trung ương và Thành phố; cập nhật đầy đủ thông tin, danh sách khách, lịch trình di chuyển hàng ngày để khai báo y tế và truy xuất thông tin khi có yêu cầu, giúp các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh những trường hợp có khả năng lấy nhiễm (nếu có).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động tạo lập và sử dụng mã QRCode cho đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa chỉ http://tokhaiyte.vn; tiếp tục đăng ký và khai báo hàng ngày an toàn COVID-19 tại địa chỉ https://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn Quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone để phục vụ giám sát, truy vết tiếp xúc dịch COVID-19.
Kiên Giang tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới
Thời gian gần đây, tình hình xuất nhập cảnh (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp của người Việt Nam và người nước ngoài) ở khu vực biên giới Hà Tiên, Giang Thành, Phú Quốc đang có diễn biến nhanh, khó lường, đòi hỏi các ngành, các cấp phải tiếp tục tăng cường, siết chặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tình hình xuất nhập cảnh, tất cả người nhập cảnh (hợp pháp và bất hợp pháp) phải được cách ly tập trung, kiểm tra y tế theo quy định.
Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Công văn số 591 /UBND-KGVX về tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người từ ngày 13/5/2021 đến hết ngày 30/5/2021.
Không tập trung quá 30 người tại nơi cộng cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Khuyến cáo người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền; Tạm dừng các hoạt động lễ hội, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
Các cơ sở tôn giáo không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người; trong trường hợp thật sự cần thiết và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tạm dừng hoạt động một số dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ cao gồm: cơ sở làm đẹp; phẫu thuật thẩm mỹ; karaoke với mọi hình thức; xông hơi; mát-xa; quán bar; vũ trường; rạp chiếu phim; nhà hát; các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, vui chơi, giải trí tại các địa điểm công cộng; các hoạt động đón khách tham quan, du lịch tại cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn; bán lẻ; xổ số kiến thiết; khách sạn; cơ sở lưu trú; nhà hàng; các cơ sở kinh doanh ăn, uống, cà phê,...), khu tập luyện thể thao ngoài trời, khu di tích, danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí (casino, vinwonders, grandworld, safari Phú Quốc, cáp treo) được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế. Trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế thì buộc tạm dừng hoạt động.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm tổ chức làm việc một cách phù hợp và bảo đảm an toàn tuyệt đối về các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 cho cán bộ, công chức, người lao động; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo đông người chưa cần thiết; không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật; tuyệt đối không tổ chức liên hoan, tiệc mừng. Các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động.
Về giải pháp, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quán triệt như sau:
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của Nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động phát huy nội lực với tinh thần: “Phòng" là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định; “Chống" là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “chống dịch như chống giặc"; thực hiện nghiêm phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình".
Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, vận động đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân không tổ chức và tham gia các sự kiện tập trung đông người. Trong đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viện chức phải gương mẫu trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nguy cơ lấy nhiễm dịch Covid-19 theo các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương...
Thảo Anh
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ