Con người có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Thiên nhiên cho chúng ta không khí để thở, nước sạch để uống, đất đai màu mỡ để trồng trọt chăn nuôi, thức ăn phong phú để sống khỏe mạnh và chống lại bệnh tật. Thiên nhiên giúp các nhà khoa học tìm hiểu về chức năng sinh lý của con người và cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, một điều đáng buồn, con người đang khai thác thiên nhiên vượt quá khả năng tái sinh.
Các đại dương và những vùng ven biển lại đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có trước đây. Hàng triệu tấn rác thải nhựa đang đổ ra biển và các đại dương trên toàn thế giới và gây hại cho các loài sinh vật bao gồm chim biển, rùa và cua. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang phá hủy các rạn san hô và những hệ sinh thái quan trọng khác. Rừng ngập mặn bị khai thác quá mức và thậm chí là bị phá bỏ để xây dựng trang trại nuôi thủy sản và phục vụ các hoạt động khác. Hoạt động đánh bắt quá mức đang đe dọa đến sự ổn định của nguồn cá, tình trạng ô nhiễm dinh dưỡng góp phần tạo ra các vùng biển chết và lượng nước thải bị xả thẳng ra môi trường khi chưa qua xử lý.
Phục hồi các đại dương và vùng ven biển có nghĩa là giảm áp lực lên các hệ sinh thái này để chúng có đủ thời gian phục hồi, cả theo cách tự nhiên lẫn tái nuôi cấy giống hoặc cấy ghép các loài chủ chốt. Điều này cũng có nghĩa là nắm được cách làm sao để tăng cường tính thích ứng của các hệ sinh thái và cộng đồng trước tình trạng biến đổi toàn cầu. Chẳng hạn như, chính phủ và cộng đồng cần phát triển hoạt động đánh bắt cá theo hướng bền vững. Các chất gây ô nhiễm phải được xử lý trước khi chúng được xả thải ra đại dương và những chất thải rắn như nhựa cần phải được loại bỏ hoàn toàn. Hoạt động phát triển các thành phố ven biển cần đi đôi với công tác bảo vệ, chứ không phải là thay thế, những hệ sinh thái ven biển. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quản lý một cách thận trọng và tích cực khôi phục các rạn san hô, rừng ngập mặn và các thảm cỏ biển để các đại dương có thể tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho con người.
Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, hiện nay, diện tích các khu vực có HST tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Hiện, diện tích rừng tự nhiên giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém. Đối với HST biển và ven biển, lượng san hô cứng đang giảm dần. 63,5% rạn đang trong tình trạng xấu (với độ che phủ dưới 25%).
Trước tình trạng HST bị suy thoái sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Việt nam đang nỗ lực để bảo tồn các HST tự nhiên quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế và thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập các hành lang đa dạng sinh học kết nối các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng 3 khu vực ưu tiên bảo tồn hổ tại Khu bảo tồn liên biên giới với Lào và Campuchia (Vườn Quốc gia Phù Mát - Nghệ An; Khu bảo tồn Sốp cộp - Sơn La và Vườn quốc gia Yok Đôn - Đắk Lắk); phối hợp với Lào và Campuchia xây dựng Cụm bảo tồn xuyên biên giới Virachay, Dong Am Phan và Chư Mom Rây; điều tra, đánh giá giá trị và dịch vụ HST của các khu bảo tồn thiên nhiên; xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, bảo đảm diện tích rừng nguyên sinh được bảo vệ ở mức 0,57 triệu ha; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Cụ thể, thực hiện Kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên đối với các lưu vực sông trọng yếu; ưu tiên cho các hệ thống sông quan trọng như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba - sông Côn, sông Đồng Nai và sông Cửu Long…
Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, phục hồi 25% diện tích HST tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vào đúng Ngày Môi trường thế giới (5/6/2021), Liên Hợp Quốc sẽ chính thức khởi động Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 - 2030). Việt Nam - một thành viên tích cực của quốc tế trong hành trình bảo vệ thiên nhiên sẽ huy động sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân để hạn chế sự suy giảm của đa dạng sinh học, sự mất mát của các hệ sinh thái, vì sự bền vững của tương lai.
Lan Phương