
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, Nguyễn Mạnh Lợi, đại diện 3 địa phương cho biết, Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An là vùng đất có vị trí địa lý đặc biệt, là cầu nối giữa Hà Nội, các tỉnh phía Bắc với khu vực Bắc Trung Bộ, với nước bạn Lào, Thái Lan, có nhiều điều kiện tự nhiên ưu đãi, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di tích cấp quốc gia và khu vực. Đây cũng là vùng có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường không tương đối phát triển, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong khu vực phát triển khá nhanh, quy mô của các cơ sở lưu trú ở khu vực cao hơn mặt bằng chung cả nước, có khả năng đón và phục vụ khách du lịch cao cấp.

Cả 3 tỉnh đều có tài nguyên du lịch vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều di sản quốc gia và thế giới. Ninh Bình với quần thể danh thắng Tràng An, Thanh Hóa với thành Nhà Hồ, Nghệ An với khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An. Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba tỉnh có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như: Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia: Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An). Nơi đây còn có các lễ hội độc đáo như: Lễ hội Trường Yên, Bái Đính (Ninh Bình), Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), Lễ hội Làng Sen, Lễ hội đền Cờn, đền Cuông (Nghệ An)… Bên cạnh đó, nơi đây còn được biết đến là một vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lại vừa giàu sắc thái riêng.

Đặc biệt là tour du lịch đặc trưng riêng có của vùng “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, đây là hành trình du lịch kết nối các kinh đô Việt Cổ qua các di tích lịch sử cố đô của Việt Nam, bao gồm thành Vạn An, Phượng Hoàng Trung Đô, thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) kết nối với Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), đền Hùng (Phú Thọ). Đây là tour giàu giá trị văn hóa với tiềm năng khai thác lớn cần sự hợp tác, kết nối giữa các địa phương, các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch và còn được xem là giải pháp cho các địa phương vào mùa du lịch thấp điểm. Bởi tuyến du lịch này có tiềm năng thu hút khách quanh năm. Nhưng làm sao để xây dựng được sản phẩm hấp dẫn với chủ đề này đòi hỏi sự tích cực góp ý từ các doanh nghiệp lữ hành, sự mạnh dạn cải thiện của địa phương và sự kết nối từ những người làm du lịch.
Các đại biểu tại hội nghị cũng đã thảo luận, chia sẻ những sáng kiến có tính giải pháp chiếnlược cho du lịch của 3 tỉnh, đặc biệt là tour “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”. Để bảo đảm đón khách trong tuyến du lịch này, các điểm đến phải có những cải thiện về hệ thống thuyết minh viên; chuẩn hóa bản thuyết minh; thiết kế bảng, biển chỉ dẫn; vệ sinh môi trường, cảnh quan; hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, trải nghiệm… Các địa phương cũng cần tăng cường tổ chức những hoạt động đi kèm mang màu sắc bản địa như tham quan thắng cảnh, làng nghề, thưởng thức nghệ thuật truyền thống…
Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch 3 tỉnh với Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội và Câu lạc bộ du lịch cộng đồng CTC và Lễ ký kết giữa Trung tâm Xúc tiến Du lịch Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Phú Thọ và Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hưng Yên.
PV