Theo đó, Hà Nội và tỉnh Ninh Bình là hai địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, là những điểm đến hấp dẫn nhất không chỉ trong nước mà của khu vực và quốc tế, là hành trình không thể thiếu của khách du lịch khi tới Việt Nam. Trong những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội với các tỉnh đồng bằng sông Hồng ngày càng được quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới của các địa phương thông qua các hoạt động cụ thể như phối hợp tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch; đón đoàn famtrip các tỉnh đến khảo sát, phối hợp tổ chức nhiều chương trình như (Một hành trình - 4 điểm đến - Nhiều trải nghiệm; Hội nghị Liên kết hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch giữa các tỉnh đồng bằng sông Hồng…).
Các hoạt động nhận được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Bình, TP. Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và sự vào cuộc chủ động, tích cực của doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội. Kể từ khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại đến nay, tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phục hồi và phát triển du lịch với những con số ấn tượng.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho rằng, trong thời gian qua, các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Với bề dày lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, cảnh sắc phong phú; văn hóa bản địa đặc sắc của Tây Nguyên như Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, kiệt tác và là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như: nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ...; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới...) là cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
“Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh và khó khăn từ suy thoái kinh tế thế giới, việc liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình và ngược lại có ý nghĩa rất quan trọng. Trong quá trình hợp tác phát triển, điều cần thiết là làm sao có thể khai thác hiệu quả bản sắc của mỗi địa phương, nhưng vẫn tạo ra được những tour tuyến, gắn kết các thế mạnh hay các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng của các địa phương. Vì vậy, hội nghị là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch”, Giám đốc Bùi Văn Mạnh nhận định.
Với thông điệp của tỉnh Ninh Bình tại Hội nghị là: “Ninh Bình - Tuyệt sắc miền Cố Đô” và của TP. Hà Nội là “Hà Nội - Đến để yêu”, hai địa phương đã quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Ninh Bình, TP. Hà Nội. Đặc biệt, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực, những ý tưởng sáng tạo cũng như những trăn trở của những người làm du lịch, mong muốn du lịch nói chung và phát triển vùng trong hợp tác du lịch nói riêng phát triển. Đồng thời, các chuyên gia du lịch, các cơ quan quản lý, các hiệp hội, các doanh nghiệp và điểm đến du lịch đã sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ các kinh nghiệm, góc nhìn thực tế.
Bế mạc Hội nghị, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là ba điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác. Tây Nguyên được biết là một điểm đến hấp dẫn, mới mẻ, khác lạ. Với vẻ đẹp tự nhiên vốn có, khí hậu tuyệt vời, ẩm thực đặc sắc, giá trị văn hóa gắn với cồng chiêng, người dân nồng hậu, chất phác…
Những năm gần đây, du lịch Tây Nguyên đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên đã thu hút được đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch ưa thích du lịch sinh thái - văn hóa. Đặc biệt, cảng hàng không Pleiku, Buôn Ma Thuột và hệ thống giao thông kết nối đến các tỉnh Tây Nguyên là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch. Lượng du khách từ Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình đến Tây Nguyên ngày một tăng lên. Việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa Tây Nguyên với tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội rất thuận lợi.
“Trên cơ sở tiếp thu các nội dung trong báo cáo tham luận và các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu ngày hôm nay, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng và triển khai các chương trình liên kết, phát triển du lịch đảm bảo đi vào thực chất, hiệu quả. Qua đó, hình thành và phát triển các tour, tuyến, sản phẩm du lịch liên kết thực sự chất lượng phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.
PV