Xuất xứ của làng nghề, phố nghề
Các làng nghề, phố nghề ở Hà Nội có sẵn tại chỗ ở các làng mạc, thôn xóm từ trước khi Thăng Long trở thành kinh đô của cả nước. Làng nghề (chuyên hóa) ở ven đô và ngoại thành thường diễn tiến tự sinh và là một yếu tố nội sinh. Kết cấu dân cư chủ yếu là dân sở tại, nhưng nghề nghiệp có thể phát triển hay chuyên sâu lại do sự kích thích của nội đô, có thể kể đến các làng chuyên doanh đặc sản: làng rau kẻ Láng, làng hoa Ngọc Hà, làng quất Nghi Tám, làng đào Nhật Tân – Phú Thượng, làng bún Phú Đô, cốm làng Vòng, bún Tứ Kỳ, bánh cuốn Thanh Trì… các làng nghề thủ công như đúc đồng ở Ngũ Xã, làm giấy dó ở Yên Thái, làng vàng bạc Định Công, dát vàng quỳ Kiêu Kỵ, dệt lĩnh làng Trích Sài, làng dâu (Vạn Long), làng Nghè (Trung Nha) thuộc vùng Bưởi nằm ven sông Tô Lịch.
Các phố nghề hình thành do cư dân của một số làng ở các vùng lân cận, những người thợ thủ công tài hoa mang nghề đặc sắc từ quê hương lên kinh thành làm ăn đua tài. Có thể kế đến nghề đúc bạc, đổi bạc phố Hàng Bạc gốc ở làng Châu Khê (huyện Bình Giang, Hải Dương) hoặc dân chạm bạc ở Đồng Sâm, dân làm vàng ở Định Công (Thanh Trì), nghề khảm ở phố Hàng Khay gốc ở làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Tây).
Do những biến cố lịch sử, thợ thủ công ở nơi khác kéo về ngoại đô, tìm chỗ thuận tiện lập nên làng xóm để hành nghề, như làng gốm Bát Tràng do dân Bồ Bát (Ninh Bình) và Vĩnh Ninh (Thanh Hóa) chuyển cư ra.
Sự du nhập và phát triển của các nghề mới trong các làng thuần nông hoặc các làng đang trong quá trình đô thị hóa bị mất đất tạo thành các phố nghề, làng nghề mới. Đó là các làng hoa Tây Tựu, làng rau Vân Nội - Đông Anh, bánh kẹo Xuân Đỉnh, làng may đồ da Kiêu Kỵ, phố - làng nghề may Cổ Nhuế, sản xuất đồ gỗ, điêu khắc gỗ, khảm trai ở Vân Hà, Liên Hà (Đông Anh).
Một trong những chương trình du lịch được khách đánh giá cao là thăm các phố nghề, làng nghề truyền thống nhưng không phải nơi nào có nghề truyền thống cũng khai thác được du lịch.
Tiềm năng phát triển du lịch của các nhóm làng nghề và phố nghề
Khu vực phố cổ Hà Nội với các nghề Kim hoàn (phố Hàng Bạc), thuốc bắc (phố Lãn Ông), gò hàn (phố hàng thiếc), hàng mã (phố Hàng Mã), hoa lụa (phố Chả Cá), may áo dài (Lương Văn Can)… rất có giá trị phát triển du lịch vì vẫn còn những nơi bán hàng và làm nghề theo tên phố, khách có thể mua sắm và đặt làm đồ tại chỗ. Tuy nhiên, nơi sản xuất trực tiếp không nhiều, phố nhỏ nên khó đưa đoàn khách lớn bằng ô tô…
Khu vực Bát Tràng - Kim Lan, Đa Tốn, Văn Đức với nghề gốm sứ rất có giá trị phát triển du lịch, bán hàng và sản xuất sản phẩm tại chỗ, mẫu mã đa dạng, nhiều lựa chọn về đồ lưu niệm và gia dụng, du khách có thể mua sắm và đặt hàng, tự tay làm sản phẩm tại chỗ; có chợ gốm rất hấp dẫn. Nhưng đường vào Bát tràng còn xấu, môi trường ô nhiễm, đường sông chưa thuận tiện, chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm một cách nghệ thuật theo quy trình khép kín với chất lượng cao, mang tính chất văn hóa.
Làng nghề Ninh Hiệp, phố Lãn Ông với nghề dược liệu đông y là địa điểm khá hấp dẫn du khách vì khách có thể bắt mạch kê đơn và xem chế biến. Tuy nhiên, việc tổ chức đón khách du lịch tại làng chưa được thực hiện tốt nên vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.
Làng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Vân Nội khá hấp dẫn du khách với cuộc sống của người nông dân Việt Nam, song việc thăm làng hoa hầu như chỉ thực hiện được vào dịp tết; khách ít mua sản phẩm, địa phương chưa có nơi chuyên tổ chức đón khách du lịch
Căn cứ kết quả điều tra của du khách và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, có thể tổng kết như sau:
Thứ nhất, Hà Nội có vị trí địa lý rất thuận tiện, hệ thống giao thông đường bộ khá tốt để đưa du khách đến các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Bắc ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc…
Ngoài ra, tuyến sông Hồng nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định rất có tiềm năng phát triển du lịch đường thủy trong tương lai. Các chương trình du lịch tàu thủy ghé thăm các làng cổ, làng nghề và các di tích bên bờ sông sẽ rất hấp dẫn du khách.
Thứ hai, có thể tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú hấp dẫn phục vụ du khách. Khách du lịch đã biết đến miền Bắc Việt Nam qua những di sản văn hóa, những quần thể di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc với các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, các vùng làng quê trù phú với phong tục tập quán mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Trong đó, làng nghề, phố nghề truyền thống là một tiềm năng du lịch vô cùng hấp dẫn. Với đặc điểm người dân tập trung sinh sống và sản xuất cùng một nơi, khách du lịch tới đây có thể tìm hiểu cuộc sống thường ngày của những người thợ thủ công vùng đồng bằng Bắc Bộ, chứng kiến các công đoạn sản xuất và mua sản phẩm tại chỗ. Chính vì vậy, các đơn vị kinh doanh du lịch có thể xây dựng những chương trình du lịch chuyên biệt đi thăm các làng nghề của các địa phương hoặc kết nối với những địa danh du lịch văn hóa, sinh thái để tạo thành những tour tổng hợp, liên hoàn hấp dẫn, sinh động, không bị nhàm chán.
Thứ ba, các làng nghề, phố nghề có thể trở thành các điểm mua sắm nổi tiếng dành cho khách du lịch, góp phần xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Ở đây có sự liên kết tác động giữa các làng nghề (nơi sản xuất) với phố nghề (nơi kinh doanh).
Để làng nghề, phố nghề Hà Nội có thể đón được lượng khách như mong muốn, cần tạo điều kiện cho du khách đến thăm làng nghề thông qua việc đầu tư hạ tầng, giao thông, bãi đỗ xe, chợ, điểm trưng bày và biểu diễn các công đoạn sản xuất sản phẩm, phát triển nghề cho người dân địa phương, kiểm soát chất lượng sản phẩm, kiểm soát việc niêm yết giá cả và nâng cao văn minh ứng xử với khách du lịch. Đồng thời, cần chú ý đến môi trường, cảnh quan, bảo vệ động thực vật quý hiếm, đảm bảo phát triển bền vững.
Làng nghề tại Hà Nội nếu được đầu tư đúng hướng đã và sẽ là những địa danh hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, tìm hiểu về những yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc, đồng thời lại có cơ hội mua quà kỷ niệm sau mỗi chuyến đi.
Từ năm 2008, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, trở thành nơi hội tụ của những phố nghề, làng nghề và trung tâm thương mại của cả khu vực phía Bắc Việt Nam.
|
Nguyễn Thanh Bình
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)