Tại SEA Games 31, Thể thao điện tử (Esports) đóng góp 8 bộ môn với 10 nội dung tranh huy chương gồm: Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến (đồng đội nam và đồng đội nữ), PUBG MOBILE (đồng đội và cá nhân), Free Fire, Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online 4, Đột Kích, Mobile Legends: Bang Bang.
Về đội tuyển Việt Nam, các vận động viên tham dự SEA Games 31 đều được tuyển chọn từ các đội có thành tích tốt nhất tại vòng loại quốc gia hoặc từ các giải đấu vô địch quốc gia, vốn đã khởi tranh lần lượt vào tháng 2 và tháng 3 (Riêng bộ môn Đột Kích vẫn chưa công bố đội tuyển). Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong một số nội dung của Esports như LMHT, Đột Kích hay Tốc Chiến.
Kết thúc vòng tuyển chọn các nội dung, những đại diện xuất sắc nhất của Esports Việt Nam đã được tìm ra. Ở kỳ SEA Games sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, đội tuyển Esports Việt Nam đóng góp 62 trong tổng số 951 VĐV, đứng thứ 2 trong đoàn thể thao Việt Nam chỉ sau điền kinh.
Tại SEA Games 30, thời điểm lần đầu tiên Esports được đưa vào danh sách thi đấu tại Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam chỉ giành được 3 tấm Huy chương Đồng, một thành tích không mấy thành công khi một số nội dung là niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam, nhưng không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Bước sang SEA Games 31, Thể thao điện tử có tổng cộng 10 bộ huy chương thuộc 8 tựa game: Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, FIFA Online 4, Free Fire, LMHT Tốc chiến, PUBG Mobile, Mobile Legend: Bang Bang và Đột Kích. Những tựa game này đã được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí về chuyên môn, đồng thời có khả năng tạo nên sức hút lớn đối với các VĐV và người hâm mộ trong khu vực.
Với lợi thế chủ nhà, Esports Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử, đem về những tấm Huy chương danh giá cho đất nước và khẳng định vị thế trong khu vực. Đây là kỳ đại hội mà các fan của Thể thao điện tử đang rất trông đợi, có điều kiện để chứng kiến đội tuyển yêu thích của mình đại diện cho Việt Nam thi đấu.
Tại SEA Games 31, Esports cũng là đoàn VĐV trẻ nhất, khi hầu hết các VĐV đều trong độ tuổi 18-21, trẻ hơn rất nhiều so với các bộ môn truyền thống khác. Đây là điều tương đối dễ hiểu, bởi dù Esports đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng đây vẫn là bộ môn tương đối non trẻ và thu hút những đối tượng thanh thiếu niên hơn cả, đặc biệt là những con người trong thế hệ GenZ.
Khi lĩnh vực games và Esports tiếp tục trở nên phổ biến, ảnh hưởng của GenZers sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển này đi xa hơn nữa. Mặc dù đây không phải là thế hệ đầu tiên bắt đầu chơi game, nhưng GenZ là một trong những nhóm tiên phong biến game trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ – theo cách vừa có thể giao lưu, giải trí và kiếm tiền từ game.
Hai năm qua là khoảng thời gian cho thấy sự phát triển bất chấp khó khăn và cũng là thời điểm mà thế hệ GenZ đầy trẻ trung chứng tỏ mình hoàn toàn đủ bản lĩnh để nắm bắt tương lai. Còn đó nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, những đứa trẻ GenZ ngày nào giờ đây đã có thể tạo nên điều kỳ diệu cho chính bản thân, gia đình và cả những người hâm mộ Esports nước nhà.
PV