THÁI LAN
Thái Lan nằm phía Tây Đông Nam Á, được xem là một thiên đường du lịch, xứ sở "đất nước nụ cười" của khu vực. Đây là một trong những nước có hoạt động kinh doanh du lịch phát triển nhất trên thế giới, đặc biệt là du lịch quốc tế, thu hút tới hàng triệu lượt du khách quốc tế mỗi năm.
Thu hút du khách bằng giá cạnh tranh
Để có thể cạnh tranh với các nước có ngành Du lịch nổi tiếng trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan có chủ trương thu hút thật đông khách du lịch đến nước mình bằng giá. Để làm được điều này, Chính phủ Thái Lan đã phối hợp với các công ty du lịch của các nước để xây dựng tour với giá rẻ nhất. Theo đó, hàng năm các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi cùng thống nhất hạ giá cho khách tour. Ví dụ, giai đoạn 2008 – 2009, để đối phó với tình trạng khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị, ngành Du lịch Thái Lan đã có những điều chỉnh mau lẹ về giá để thu hút khách du lịch như chương trình “Thailand Sorry” (Thái Lan xin lỗi) với giá phòng khách sạn giảm đến 70% ở Phuket, 50% ở Bangkok. Thêm vào đó, còn có chương trình bay miễn phí trên tất cả các đường bay quốc tế của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia, xuất phát từ Bangkok tới Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore, Trung Quốc…
Kết hợp du lịch với thương mại
Thái Lan đã kết hợp các hoạt động du lịch với hoạt động thương mại nhằm "móc túi" khách du lịch theo những cách hợp lý và mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, ngành Du lịch đã kết hợp với các cơ sở sản xuất đưa du khách tham quan viện nghiên cứu nọc độc rắn ở Bangkok và xem màn biểu diễn với rắn rùng rợn của nghệ nhân Thái, nghe thuyết trình về rắn, từ đó họ bán được nhiều sản phẩm cho du khách. Tại cơ sở sản xuất da ở Bangkok cũng áp dụng cách làm tương tự, công ty du lịch Thái Lan thường đưa du khách tới đây để thăm thú và mua đồ lưu niệm. Sản phẩm được sản xuất từ các loại da thú, rất đắt tiền, một túi xách phụ nữ giá khoảng 200 - 300USD, một chiếc móc khóa nhỏ xíu cũng 60.000 đồng. Nếu mỗi ngày chỉ chừng có 100 đoàn đến tham quan cơ sở sản xuất thì chỉ cần bán móc khóa thôi cơ sở này cũng có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày...
Phát triển hình thức du lịch MICE
Một trong những hướng đi được Thái Lan xác định nhằm nhanh chóng mang lại nguồn doanh thu lớn cho nền kinh tế đất nước, đó là phát triển du lịch MICE.
Năm 2007, du lịch MICE thu hút hơn 850 nghìn lượt khách tới Thái Lan, mang lại nguồn thu 69,5 tỷ bạt, chiếm hơn 13% tổng doanh thu của ngành du lịch. Năm 2008, do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, Thái Lan chỉ đón được hơn 700 nghìn lượt khách du lịch MICE với doanh thu hơn 52 tỷ bạt. Nhưng xác định niềm tin và an ninh là hai yếu tố cơ bản tác động du lịch MICE, Du lịch Thái Lan đã phát triển 5 chiến lược khôi phục và thúc đẩy MICE từ năm 2009 đến 2012 nhằm đưa Thái Lan trở thành một điểm đến hàng đầu của ngành công nghệ tổ chức sự kiện trong khu vực: tiếp cận và hội nhập thị trường; khởi động thị trường trong nước thông qua chiến dịch khuyến mãi dành cho khách hàng MICE; đẩy mạnh hoạt động truyền thông theo đó sử dụng báo chí để quảng bá hoạt động; khởi động thị trường MICE nội địa, tập trung thúc đẩy và phát triển MICE tại bốn tỉnh, thành phố chủ yếu gồm BangKok, Pataya, Phuket và Chieng Mai; kiểm soát khủng hoảng toàn diện theo đó hợp tác với các cơ quan hữu trách, phối hợp nâng cấp an ninh và an toàn Hệ thống kiểm soát an ninh MICE.
Thu hút du khách nhờ chính sách miễn thị thực nhập cảnh
Thái Lan có quan hệ ngoại giao với 177 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, miễn thị thực cho du khách của 47 quốc gia, cấp thị thực du lịch cho 20 quốc gia với điều kiện rất dễ dàng. Nhờ đó, đã thu hút một lượng lớn du khách quốc tế đến Thái Lan hàng năm. Trong đó, hơn 80% du khách đến Thái Lan không cần thị thực giai đoạn 2003-2007.
MALAYSIA
Đa dạng hóa dịch vụ du lịch bắt kịp nhu cầu thị trường du lịch quốc tế
Nắm bắt được nhu cầu đang không ngừng tăng lên của châu Á về loại hình du lịch MICE, chính phủ Malaysia đã có những chính sách đầu tư hợp lý để đưa nước này vươn lên vị trí của một trung tâm du lịch MICE hàng đầu khu vực
Ngoài những danh lam thắng cảnh tự nhiên, ngành Du lịch Malaysia đẩy mạnh khai thác các yếu tố văn hóa đa dạng của đất nước 27 triệu dân này, nơi ba nền văn minh Mã Lai, Trung Hoa và Ấn Độ hòa quyện với nhau để tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo gắn liền với các lễ hội truyền thống đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch.
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bệnh viện ở Malaysia đã không bỏ lỡ cơ hội do ngành du lịch đem lại. Hàng loạt các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã được đầu tư nâng cấp nhằm phát triển mạnh loại hình du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng.
Đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch qua chiến dịch giảm giá
Để có những mức giá hợp lý nhất lôi kéo du khách, ngành Du lịch Malaysia đã kết hợp với tiêu dùng nội địa để có nhiều “chiêu” khuyến mãi vô cùng hấp dẫn. Điển hình là lễ hội Mega Sale được tổ chức từ nhiều năm nay vào mỗi dịp hè và thường kéo dài gần ba tháng. Suốt lễ hội, hàng loạt các trung tâm thương mại lớn ở các thành phố lớn của Malaysia, đặc biệt là khu vực Kuala Lumpur, đồng loạt giảm giá bán hàng từ 20 - 80%. Hàng gì cũng được giảm giá, từ hàng được sản xuất trong nước cho đến hàng nhập khẩu, từ hàng hiệu cho tới hàng bình dân. Và có nhiều loại sản phẩm được miễn thuế khi mang ra khỏi cửa khẩu.
Chính sách ưu tiên đầu tư và ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch
Dù đã được mệnh danh là đất nước nhất nhì Đông Nam Á về phát triển du lịch, nhưng nhiều năm nay, ngành Du lịch Malaysia vẫn chi hàng chục triệu USD để tuyên truyền quảng bá du lịch mỗi năm. Chỉ cần đặt chân đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur, du khách đã có cơ hội tiếp cận với tất cả các thông tin du lịch của Malaysia một cách dễ dàng, miễn phí. Ngay tại sân bay, và ở khắp nơi, khách tha hồ lựa chọn và đút túi cả lô những tờ rơi, bưu ảnh, bản đồ… giới thiệu đầy đủ, chi tiết và sinh động về đất nước Malaysia. Một cách tiếp thị đơn giản nhưng lại thật hiệu quả.
Ngành Du lịch Malaysia còn khai thác một cách triệt để hệ thống Internet, báo chí, quan hệ đối ngoại để quảng bá cho các sản phẩm du lịch của mình, nhất là các sản phẩm du lịch văn hoá, lễ hội đặc sắc của đất nước đa sắc tộc.
Hoàn thiện cơ sở vật chất cho ngành Du lịch
Bên cạnh những yếu tố văn hóa đặc sắc, người ta còn nhận thấy sự thành công của Du lịch Malaysia là nhờ tới sự hiện đại, hào nhoáng của các cơ sở vật chất mà người dân Malaysia đã tạo dựng nên trong suốt những năm qua.
Chỉ đơn cử việc sân bay Kuala Lumpur (KLIA) được bình chọn là sân bay quốc tế tốt nhất thế giới, vượt qua sân bay San Diego của Mỹ và sân bay Zurich của Thụy Sĩ người ta đã phần nào đánh giá được cơ sở vật chất của ngành Du lịch Malaysia.
Hệ thống cơ sở lưu trú của Malaysia hiện đại, giá cả hợp lý và có sức chứa lớn. Đến với Malaysia, khách du lịch có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ hoàn hảo của các khách sạn hàng đầu như Sheraton, Hilton, Intercontinental và các khách sạn, nhà hàng chi nhánh dọc đất nước.
Xây dựng những điểm đến du lịch mới, hiện đại nhưng ngành Du lịch Malaysia cũng vẫn không ngừng tu bổ những di tích lịch sử, văn hoá đã có từ lâu nhằm phát triển thế mạnh du lịch đền đài, chùa chiền.
Để phát triển du lịch, Malaysia đã thúc đẩy môi trường đa dạng văn hóa của nó, lưu trữ một số lễ hội văn hóa và biểu diễn. Khuyến khích khách du lịch bằng chính sách miễn thị thực nhập cảnh
Để thu hút khách du lịch quốc tế, Malaysia còn xét miễn thị thực đối với nhiều trường hợp khách du lịch quốc tế. Hiện nay, Malaysia có quan hệ ngoại giao với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài 140 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu phải có thị thực, công dân các nước còn lại được miễn thị thực.
SINGAPORE
Dù chỉ là một quốc đảo nhỏ bé trong khu vực Đông Nam Á nhưng Singapore lại được đánh giá là quốc gia có ngành Du lịch phát triển vào loại nhất nhì khu vực. Có được điều này là do ngành du lịch Singapore luôn tạo ra những sản phẩm mới để hấp dẫn du khách, gắn kết hoạt động du lịch với các hoạt động thương mại, nhằm tạo ra hình ảnh đất nước Singapore độc đáo và thực sự hấp dẫn trong tiềm thức của du khách. Thành công của ngành Du lịch Singapore chính là thành công trong điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch trước những thay đổi kinh tế và xã hội bên ngoài.
Không ngừng đầu tư và tu bổ danh lam thắng cảnh, cơ sở du lịch
Ngay từ giữa những năm 1980, Chính phủ Singapore đầu tư hàng trăm triệu USD nâng cấp các điểm thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng, di tích văn hóa và lịch sử. Điều này khiến cho khách du lịch cảm thấy ở Singapore hàng tuần vẫn không thiếu chỗ tham quan.
Chính phủ Singapore đang tập trung xây dựng quốc đảo này thành trung tâm triển lãm và hội nghị hàng đầu châu Á, trung tâm dịch vụ và giải trí bậc nhất nhằm thực hiện tham vọng tăng lượt khách du lịch lên 17 triệu người, thu nhập từ du lịch đạt 30 tỷ đôla Singapore và tạo 250.000 việc làm vào năm 2015.
Điều chỉnh về chính sách giá
Bằng nhiều chính sách giảm giá khác nhau như giảm giá vé máy bay, giá phòng khách sạn; bằng cách biến cả nước thành một trung tâm mua sắm của khu vực với chính sách hạ thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng cao cấp xuống 0% để giảm giá bán, Singapore đã kích thích được nhu cầu mua sắm của du khách.
Cải thiện hệ thống phương tiện giao thông
Tại Singapore, du khách đi lại rất thuận tiện nhờ hệ thống tàu điện ngầm hiện đại và an toàn. Xe buýt, xe con và xe taxi thay thế hoàn toàn cho các phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp. Chính phủ Singapore hiện rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của ngành Hàng không để thúc đẩy cầu du lịch quốc tế.
Hoàn thiện cơ sở tiện nghi, tạo nhiều loại hình du lịch độc đáo
Bí quyết để một đất nước Singapore có diện tích bé nhỏ, không giàu tài nguyên nhưng luôn thành công trong việc phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch là do đầu tư mạnh cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đồng thời tạo ra nhiều loại hình du lịch độc đáo như du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, học tập nghiên cứu...
Tập trung đầu tư vào chính sách quảng bá du lịch
Là trung tâm tài chính, kinh tế của khu vực Đông Nam Á cũng như của châu Á và thế giới, Singapore đặc biệt có thế mạnh trong phát triển du lịch MICE. Hàng năm, chính phủ nước này đều đầu tư hàng tỉ đô la Singapore thực hiện các chính sách quảng bá về du lịch để thu hút khách tới thăm.
Thu hút du khách nhờ chính sách liên quan đến thị thực nhập cảnh
Singapore hiện có quan hệ ngoại giao với 175 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã miễn thị thực cho du khách của 143 quốc gia. Nhờ chính sách cởi mở về thị thực Singapore đã thu hút một lượng lớn khách quốc đến nước này hàng năm.
Thiết nghĩ, cách làm hay của các nước bạn là những bài học kinh nghiệm, những gợi ý Việt Nam cần tham khảo.
Trần Thị Kim Anh
(Tạp chí Du lịch)