Triển khai Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch” tại Hà Nội vào ngày 31/5/2017.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp những thông tin, những căn cứ cần thiết về xu hướng và nhu cầu mới trong phát triển du lịch hiện nay để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách liên quan đến phát triển du lịch, thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 08/NQ-TW cũng như cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học… quan tâm nghiên cứu về du lịch.
Du lịch Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh ngành Du lịch tiếp tục là một trong những ngành có đóng góp quan trọng vào GDP của cả nước; Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 định hướng trong giai đoạn tới cần “tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch”; đồng thời xu thế phát triển khoa học công nghệ thế giới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra yêu cầu ngành Du lịch cần nhanh chóng phát triển theo hướng số hóa thành du lịch thông minh; Du lịch Việt Nam phát triển trong bối cảnh hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Căn cứ vào một số nhận định về bối cảnh ngành Du lịch phát triển hiện nay và nội dung các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 08/NQ-TW, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đề xuất 6 nhóm yêu cầu đặt ra đối với phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới bao gồm: hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực.
Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe các tham luận liên quan đến một số vấn đề quan trọng như: Phát triển du lịch Việt Nam - những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 và những thay đổi trong kinh doanh du lịch; Marketing số trong du lịch; Đổi mới trong xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và xu hướng các loại hình du lịch mới. Trong phần thảo luận, các đại biểu đã phân tích những xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, bàn về những ưu điểm cũng như hạn chế của Du lịch Việt Nam, về xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hoạt động của các doanh nghiệp du lịch lữ hành và các cơ sở lưu trú du lịch, các vấn đề liên quan đến thị thực, hướng dẫn viên…
TC