Dự thảo đã có nhiều cố gắng trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 08
Đa số các ý kiến đã đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng tình với báo cáo giải trình.
Đại biểu Phạm Đình Cúc, Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến cụ thể, rõ ràng hơn so với dự thảo trình tại tại kỳ họp thứ 2. Đặc biệt là có nhiều cố gắng trong việc cụ thể hóa các chính sách theo tinh thần Nghị quyết 08 đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, dự thảo thiết kế theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch phát triển.
Đóng góp cho dự thảo lần này, Đại biểu Phạm Đình Cúc cho hay, cần thể chế hóa thêm về thành lập Qũy phát triển du lịch và có cơ chế, ngân sách hỗ trợ cho quỹ và hàng năm, nguồn thu từ phí tham quan du lịch, thị thực nhập cảnh, đóng góp của doanh nghiệp, khách du lịch…
“Luật Du lịch hiện hành đã có nhưng hơn 10 năm qua đã không thành lập được, một trong những nguyên nhân quan trọng là do chưa xác định rõ nguồn thu của quỹ” – Đại biểu này nhận xét và đề nghị nên quy định nguồn thu từ những nội dung trên.
Trong buổi chiều, các đại biểu cũng có ý kiến khác nhau về đô thị du lịch.
Với phương án không quy định, đại biểu Phạm Đình Cúc cho hay, Luật cũ đã có quy định nhưng mới có một địa phương là Cửa Lò đạt danh hiệu đô thị du lịch và không mang lại hiệu quả do không có chính sách hỗ trợ.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hằng, Bắc Ninh, thì cho rằng, xuất phát từ thực tiễn, rất cần đô thị du lịch Việt Nam và đây là đặc trưng của du lịch Việt Nam như Hạ Long, Hội An, Đà Lạt, Nha Trang. “Nếu luật không quy định thì sẽ dẫn tới lúng túng trong quản lý đô thị dạng này” – bà Trần Thị Hằng nêu.
Ngoài ra, năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam, trong đó, đã đưa ra quy định cụ thể về đô thị du lịch. Do không có cơ chế cụ thể theo đúng nghĩa nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Vì vậy theo đại biểu Hằng, nên chọn phương án có đô thị du lịch.
Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng, đóng góp ý kiến: không nên quy định cứng, nếu chúng ta chỉ cần một danh hiệu để cho phong phú thêm thương hiệu du lịch của một địa phương thì không cần thiết có một điều luật mà nên giao cho các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức du lịch tôn vinh đô thị du lịch.
Còn nếu chúng ta thấy cần thiết phải quy định đô thị du lịch thì phải quy định rõ về đô thị du lịch để nhằm mục đích gì, vai trò của nó ra làm sao…
Các đại biểu khác như Trần Tất Thế, Lê Xuân Thân… thì đều nhất trí với tờ trình và mong mỏi Quốc hội thông qua dự thảo Luật Du lịch lần này. Đồng thời đề xuất nên bổ sung loại hình khách du lịch tham gia trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp; condotel (căn hộ khách sạn)… vào dự thảo luật.
Sẽ phát phiếu lấy ý kiến đại biểu về những quan điểm còn khác nhau
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết, Luật Du lịch 2005 đã không còn phù hợp, cần thiết phải có sự sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng để tiếp thu tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thế nên trong dự thảo lần này về chính sách tại điều 5 đã quy định khá cụ thể ưu đãi về đầu tư, phát triển cho du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có quy định về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
“Điều kỳ vọng nhất của tôi là những vấn đề, chính sách hỗ trợ và những chính sách tạo điều kiện cho đầu tư, phát triển vì thực ra du lịch là ngành kinh tế tổng hợp chính vì vậy cùng với luật du lịch này thì các luật khác cũng có những chỉnh sửa để góp sức cho ngành du lịch phát triển” – ông Nguyễn Văn Tuyết chia sẻ.
Giải trình một số vấn đề của dự thảo Luật Du lịch, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, về những vấn đề chung, dự thảo luật lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Du lịch 2005, đồng thời đã điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc định những quy định chưa phù hợp, đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, nên sự phát triển của ngành phụ thuộc rất nhiều vào các bộ, ngành khác. “Khi làm luật này có một điểm nổi lên là nhiều bộ luật khác ảnh hưởng trực tiếp đến Luật Du lịch như liên quan tới visa do Luật Xuất nhập cảnh quyết định, ưu đãi đầu tư thì liên quan Luật Đầu tư, thuế, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch... đều liên quan tới các luật khác… Luật này có một cái khó là phát triển ngành nhưng lại phụ thuộc vào ngành khác. Có điểm, Ban soạn thảo muốn đưa vào mà không được nên sửa hoặc bổ sung vào các luật khác”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu.
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, trước sự đồng tình của các đại biểu về việc phải có quỹ này, Bộ trưởng cho hay, thực tế Việt Nam có 2,5 triệu đô la xúc tiến du lịch, trong khi các quốc gia xung quanh là khoảng 100 triệu đô. Về quỹ này, Bộ trưởng cho hay, dự thảo đã không đưa vào khoản hình thành quỹ từ nguồn phí và lệ phí nữa do xung đột với luật khác.
Liên quan tới lữ hành và tour giá rẻ, hướng dẫn viên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, 3 nội dung này liên quan mật thiết với nhau và dự thảo luật lần này đã có các quy định liên quan với lữ hành, tăng cường quản lý hướng dẫn viên du lịch…
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng giải trình thêm về vấn đề xếp hạng sao của các cơ sở lưu trú, đô thị du lịch…
Với 21 ý kiến và 2 ý kiến tranh luận cho dự thảo Luật Du lịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay, các ý kiến đã đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Quốc hội cũng đánh giá cao bản tiếp thu, chỉnh lý ý kiến của Ban soạn thảo.
“Trước khi quyết nghị dự thảo luật này, sẽ có phiếu xin ý kiến còn khác nhau của dự thảo luật” – Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết./.
Nguồn: Toquoc.vn