Giới thiệu sơ bộ về Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản, ông Sawada Takaaki cho biết, với chức năng nghiên cứu về phát triển du lịch thuộc Bộ Giao thông – Hạ tầng đất đai Nhật Bản, Văn phòng tại Thái Lan được thành lập năm 2021, chịu trách nhiệm nghiên cứu vấn đề về Giao thông vận tải và Phát triển du lịch khu vực Đông Nam Á, Nam Á. Nhiệm vụ chính của Văn phòng là nghiên cứu, điều tra; tổ chức hội thảo; truyền tải các thông tin từ chính phủ Nhật Bản; tổ chức hoạt động giao lưu về con người trong lĩnh vực Giao thông vận tải và Phát triển du lịch. Ông Sawada Takaaki đồng thời chia sẻ mục đích buổi thăm TCDL để tìm hiểu về xu hướng phát triển Du lịch Việt Nam, nhu cầu của du khách giai đoạn hậu COVID-19 cũng như các giải pháp quản lý, chính sách đáp ứng của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Sawada Takaaki cũng đặt vấn đề về kết nối cho chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản vào tháng 12/2022 để được chào xã giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng như làm việc với TCDL.
Chia sẻ với ông Sawada Takaaki, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, ngành Du lịch được Chính phủ Việt Nam cọi trọng, là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; du lịch Việt Nam đã có chiến lược thu hút khách quốc tế và phát triển du lịch nội địa. Giai đoạn 2015- 2019, Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh với mức tăng trưởng khách quốc tế 23%/năm. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu khách quốc tế, phục vụ 85 triệu khách nội địa, đóng góp 9,2% GDP quốc gia; trong đó Việt Nam đón khoảng 1 triệu khách Nhật Bản và có khoảng 500.000 người Việt Nam đến Nhật Bản du lịch. 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 2,1 triệu khách quốc tế, trong đó có khoảng 100.000 du khách Nhật Bản và có khoảng 200.000 người Việt Nam đến Nhật Bản du lịch. Khách Nhật Bản đến Việt Nam quan tâm nhiều đến sản phẩm du lịch văn hóa, đến các địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Việt Nam và Nhật Bản có nét tương đồng về văn hóa cũng như nhu cầu du lịch, nên khách Nhật Bản đến Việt Nam luôn tìm được sự hài lòng, khách Việt Nam đến Nhật Bản ngày càng nhiều. Du lịch Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký hiệp định hợp tác, tạo nên mối quan hệ khăng khít, hiệu quả.
Cũng tại buổi tiếp, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đồng thời chia sẻ thông tin về chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đưa du lịch hồi phục như trước dịch COVID-19 vào năm 2025. Đặc biệt là giai đoạn chịu tác động của dịch COVID-19, những nỗ lực của Du lịch Việt Nam vẫn được du lịch thế giới công nhận thông qua các giải thưởng du lịch thế giới và khẳng định Du lịch Việt Nam sẽ nỗ lực phát triển để xứng đáng với những giải thưởng được công nhận. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt trọng tâm phát triển cả du lịch quốc tế và nội địa. Thị trường quốc tế mục tiêu tập trung vào Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Nga, các nước Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Chiến lược coi trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch xanh, du lịch thể thao, golf, du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện cho du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài và được hưởng dịch vụ tốt nhất thông qua việc hợp tác du lịch với các nước; đồng thời đề nghị các nước hợp tác song phương tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho du khách Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng chia sẻ xu hướng du lịch hậu COVID-19 tại Việt Nam. Sau khi Việt Nam chính thức mở của lại du lịch toàn diện từ ngày 15/3, nhu cầu du khách đã bùng nổ và có sự thay đổi. Bài học là Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết về việc thích ứng an toàn, linh hoạt. Và xu hướng du lịch hiện nay của khách Việt Nam là lựa chọn điểm đến an toàn; tự đi theo nhóm nhỏ, đi ngắn ngày; lựa chọn các sản phẩm gần gũi với thiên nhiên. Đối với chuyển thăm của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản vào tháng 12/2022, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu bày tỏ sự hoan nghênh, đồng thời mong muốn có thêm nhiều hoạt động hợp tác bên lề khác.
Gia Khôi