Tìm kiếm thông tin và soi vào bản đồ địa hình khu vực, được biết đó là những vách đá thuộc dãy Ngũ Chỉ Sơn, thuộc địa bàn xã Tả Giàng Phình, huyện Bát Xát, Lào Cai.
Một ngày đầu năm 2013, tôi chia sẻ với Chuẩn, một người bạn làm du lịch về những thông tin của ngọn núi. Vốn là dân mê nhảy dù, ham thích độ cao, anh bạn tôi ngay lập tức nhận lời đồng hành đi tìm hiểu ngọn núi này. Chúng tôi đều là dân văn phòng, vốn leo núi chỉ là thú vui để thoát khỏi không khí ngột ngạt của Hà Nội bụi bặm và bon chen.
Tôi đặt tên cho kế hoạch khảo sát là "Xuyên tâm Ngũ Chỉ Sơn - ngọn núi hùng vĩ nhất vùng Tây Bắc", với ý định đi xuyên qua chân những vách đá dựng đứng, tìm đường đi từ bên này qua bên kia.
Sáng sớm, thị trấn Sapa đón chúng tôi bằng những màn sương mờ quen thuộc. Không khí Sapa ướt đẫm, gió Đông Bắc thổi nhẹ, nhiệt độ khoảng 9-11oC, hứa hẹn một chuyến đi ướt át trơn trượt. Ông chủ khách sạn Mùa Xuân, nơi chúng tôi ngủ qua đêm trước ái ngại nhìn hai thanh niên mảnh khảnh đeo những cái ba-lô to tướng sau lưng: "Leo Fan à? Mấy hôm nay lên núi là rét đấy, các anh đã có guide chưa?" Dường như ở đây mọi người đã quá quen thuộc với những du khách leo Fan đông như trảy hội mỗi kỳ nghỉ dài.
Bất chợt, tôi nghĩ tới một gia đình tốt bụng sống ở lưng chừng đèo Ô Quy Hồ. Anh chị Bình Lan từng cho chúng tôi gửi nhờ xe ô-tô suốt cả tuần trong chuyến xe đạp vượt đỉnh sừng trời Nhìu Cồ San bữa trước. Tôi nhấc máy gọi nhờ anh tìm giúp một bác porter người Mông để đi cùng từ Bình lư sang Tả Giàng Phình. Anh chị đã đôn đáo điện thoại khắp nơi để tìm người, nhưng do thời gian quá gấp, lại đúng vào dịp người Mông đổ hết lên rừng tìm đào về bán tết, nên không thể tìm được ai đi cùng.
Tới một bản nhỏ cách thị trấn Bình Lư vài km, nơi chúng tôi dự tính là điểm khởi hành từ quốc lộ 4D, tôi dừng lại ở quán nước lớn nhất ven đường, kêu chai nước rồi bắt đầu dò hỏi thông tin. Không ai biết về con đường vượt núi mà chúng tôi mô tả, họ đều trả lời như nhau: không, đi đường Ô Quy Hồ thôi, trên đó làm gì có đường!
Tôi bắt đầu nản chí thì gặp một thanh niên người Mông tên là A Sinh. Cuối cùng, A Sinh cũng nhận lời đi. Tôi đã phải mất gần 1h đồng hồ kiên trì thuyết phục, với cái giá 200.000đ/ngày, chúng tôi ăn gì A Sinh ăn nấy, đi bao nhiêu ngày không quan trọng, miễn là tới được đỉnh.
Ngày 1: trekking - khe núi dốc đứng và con đường bí mật
Những bước chân đầu tiên của chúng tôi dọc theo con suối Bình Lư lạnh ngắt, men theo một trang trại cá hồi xây thô sơ, những bể bê-tông được lót tấm nhựa xanh lè nhằm trữ nước để trôi tuột xuống những khe đá. Tôi thầm nghĩ, nếu có thời gian dứt khoát phải quay lại nơi đây để thưởng thức món bổ dưỡng này ngay tại trang trại, nhưng hôm nay thời gian là kẻ thù của chúng tôi. Sau bữa trưa vội vàng ngay đầu nguồn con suối - chúng tôi mất toàn bộ buổi sáng và trưa cho việc tìm người khuân vác hành lý, lúc đó đã là 2h chiều, ánh mặt trời không thể xuyên qua các đám mây mù, báo hiệu một ngày cuối đông nhanh tối. Tôi vội vã giục các bạn đồng hành nhai vội mấy miếng bánh mì kẹp thay cho bữa trưa rồi tiếp tục lên đường.
Vào mùa mưa, con đường qua suối này hoàn toàn không thể đi được. Chúng tôi liên tục phải đảo từ bên này qua bên kia bờ suối. Thỉnh thoảng lại gặp những người thổ dân đi chăn trâu, bẫy chim, chặt cây hoặc lấy củi. Một nhóm trai bản cầm cả cần câu đi câu cá suối, họ huýt những điệu khèn lá vui tai và hết sức thân thiện với chúng tôi. Sinh bảo tôi, nếu anh muốn leo lên đỉnh núi, em biết một đỉnh cao lắm, rất khó đi, mà dân ở đây đi bẫy khỉ mất cả ngày leo. Trên đó còn đàn khỉ to, con đầu đàn rất hung dữ, phải đi mấy người cùng nhau thì mới dám vào lãnh địa của nó. Tôi vui mừng đồng ý ngay và hy vọng trưa ngày mai mình lên được núi khỉ. Tôi vẫn hy vọng rằng núi khỉ đó chính là đỉnh Ngũ Chỉ Sơn huyền thoại, hay chí ít nó cũng giúp tôi nhìn được toàn cảnh dãy Ngũ Chỉ Sơn từ phía Tây Nam.
Mỗi giờ kể cả thời gian nghỉ, cả ăn nhanh, uống nước, chỉnh trang đồ đạc, chúng tôi chỉ đi được hơn 2km, sau 3 giờ trek liên tục mới được khoảng 7km, mà như vậy soi vào đường chim bay bằng mắt thường cảm giác như bản của Sinh vẫn ngay dưới chân. Chúng tôi lại hò nhau cặm cụi nối đuôi tiến sâu vào rừng. Khu rừng tái sinh, từng bị đốt trụi để làm nương nhưng nay bỏ hoang không trồng thảo quả, không nhiều điều ấn tượng.
Kể từ lúc rút đèn pin ra khoảng 6h kém, chúng tôi cật lực đi thêm 2h nữa trong ánh đèn. Vừa đi vừa niệm phật, mong cả đoàn bình an, vì tôi biết đây là thời gian đi kiếm mồi của lũ rắn. Đường vẫn lên dốc xuống đèo, mỗi lần lên dốc đứng, các lát cắt đường địa đồ và vị trí GPS không cho thấy bất kỳ một địa điểm cắm trại khả dĩ nào.
Vậy là tận gần 10h chúng tôi mới được ăn bữa tối sau khi đã gần như nhịn bữa trưa mà chỉ nạp năng lượng bằng đồ ăn vặt và nước pha đường. Đồ ăn tối khá ngon lành với chân giò xông khói, giò bò, canh rau chua đóng gói nấu với mỳ tôm và thoải mái thịt hộp các loại. Hôm nay chẳng có thời gian đâu để hái rau rừng. Sau vài tuần rượu, giấc ngủ êm ấm trong túi ngủ, cạnh bếp củi lách tách đến khá nhanh.
Ngày 2: Lạc đường trên núi khỉ và “khách sạn” trên đỉnh núi.
Cơn mưa rừng mà tôi dự đoán đến khá muộn, nó phá giấc ngủ của chúng tôi để bắt đầu một ngày sớm hơn thường lệ… Trong rừng hầu như sáng sớm nào cũng mưa, nếu hiểu mưa theo cách đơn thuần của người đồng bằng. Thực ra mưa đêm trong rừng hầu hết do hiện tượng "quá mù ra mưa".
Những bước chân đầu tiên của ngày hai trong chuyến đi là dò dẫm trong khối sương mù đậm đặc ấy. Tôi nhìn lại đồng hồ đo độ cao: 1920m. Mặc dù hôm qua phải qua vài lần đi lên đi xuống suối nhưng chúng tôi đã lên được khá cao trong một buổi chiều.
Thỉnh thoảng tôi dừng lại và mở bản đồ địa hình load sẵn trên chiếc điện thoại chạy HĐH Android 4.0 để kiểm tra, thấy hướng mình đi dẫn tới đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn ở phía Đông Nam.
Khoảng hơn tiếng trek ngược của buổi sáng nữa, chúng tôi tới một chỗ đất khá bằng phẳng, chợt tôi rú lên với Chuẩn:” Anh vừa nhìn thấy đỉnh Ngũ Chỉ Sơn!!!”. Không thể nhầm lẫn được, một đỉnh núi hiên ngang và dựng đứng như những gì tôi tưởng tượng về Ngũ Chỉ Sơn vừa hiện ra sau một cơn gió lớn bạt mây mù. Tôi vội vàng mở địa hình đồ: Trời ơi, đang ở độ cao 2500m. Không lẽ cái khe này dẫn thẳng lên tận đỉnh? Tôi hồi hộp trống ngực loạn nhịp, có lẽ đúng rồi, hoặc lên gần tới đỉnh. Hú hét một hồi, cười điên loạn sung sướng, mấy anh em giơ máy ảnh lên chờ đợi đỉnh núi lại hiện ra nhưng vô ích, mây mù cứ dày đặc bao quanh chúng tôi mãi. Thế là cất hết máy móc trek lên tiếp, khoảng chừng 15 – 20 phút nữa, cái khe dần trở nên khô ráo bằng phẳng, rồi một vách đá dựng ngược hiện ra. Đây rồi, đây chính là điểm đầu nguồn con suối Bình Lư. Dưới chân nước đã khô, chúng tôi đứng dưới một vách đá đổ nghiêng tạo với mặt đất một góc khoảng 75 độ. Vách đá cao khoảng 30m, hùng vĩ dựng ngược, phía đối diện là sườn núi dốc mọc đầy trúc lùn. Và gió, gió giật từng cơn, có lẽ khoảng cấp 6 cấp 7. Trong những đám mù đặc đang bị gió mùa lèn qua khe núi này, thấp thoáng hai cái đỉnh tròn, dựng đứng của Ngũ Chỉ Sơn mà có cảm giác chỉ giơ tay ra là với được. Những cây trúc oằn mình chống lại từng cơn gió giật, tưởng như chúng bật gốc đến nơi, nhưng kỳ thực chúng rất dẻo dai, cứ mỗi đợt gió giật qua chúng lại trở về vị trí cũ. Giống trúc trên đỉnh này tiêu biến gần hết cả lá xanh, chỉ còn thân vàng óng ánh như tre ngà và rễ chùm trên thân biến thành gai cứng như thép.
Để leo lên đỉnh phía tay trái, phải dùng dao chặt gốc trúc mở đường đi lên, nhưng trước hết phải vượt qua vách đá dựng đứng. Tôi thử leo lên vách đá trơn trượt, may quá có những cây si, cây dại mọc trong khe nên leo lên vách không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Do gió vẫn giật rất mạnh, tôi chọn leo lên vách bên trái để có thể chụp hình đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, đánh dấu độ cao rồi tụt xuống. Chỗ tôi đứng chụp đỉnh Ngũ Chỉ Sơn là 2606m, theo GPS.
Có được hình đỉnh núi rồi, bây giờ chọn đường xuống núi.
Ngày 3: Hùng vĩ thác mây Ngũ Chỉ Sơn
Thoát khỏi mây mù, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có của thiên nhiên: thác mây đổ từ đỉnh Ngũ Chỉ Sơn. Từ một mỏm đá cheo leo chúng tôi say sưa ngắm lại chặng đường đã qua với cảnh vật hùng vỹ, toàn cảnh thác mây phía sau. Khác với trời đất bên kia, phía này biển mây mênh mông bồng bềnh, có thể nhìn toàn cảnh đất trời, dãy Nhìu Cồ San, Bạch Mộc Lương Tử. Không muốn quay lại đường cũ, chúng tôi lần vách đá xuống núi theo hướng Tả Giàng Phình, nơi đạo diễn Nhật Minh chọn làm cảnh quay của bộ phim "Thung Lũng hoang vắng". Thung lũng nay không còn hoang vắng nữa bởi tiếng cối nước giã gạo, những đứa trẻ nô đùa và những người dân thân thiện.
Dãy Ngũ Chỉ Sơn bao gồm năm khối núi chính chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam, nhưng những ngọn cao nhất (khoảng 2700m và 2800m) lại nằm ở những "ngón tay" phía ngoài chứ không phải ở giữa như ngón tay người thật...
|
Nguyễn Ngọc Cường
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)